Tập trung nguồn lực xây hạ tầng kỹ thuật Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Đăng ngày 10 - 02 - 2017
100%

Trong phát biểu chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 của Ban Chỉ đạo Đề án 896, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đề nghị cần tập trung nguồn lực để xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

 

Tập trung nguồn lực xây hạ tầng kỹ thuật Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 896 lưu ý, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đến nay mới hoàn thành các thủ tục để chuẩn bị xây dựng, chậm 2 năm so với dự kiến ban đầu (Ảnh:  Chinhphu.vn)

Văn phòng Chính phủ cho biết, vào chiều ngày 9/2/2017, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020 (Đề án 896) đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo đánh giá kết quả năm 2016, phương hướng, nhiệm vụ năm 2017, kiện toàn Ban Chỉ đạo.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 896 biểu dương sự cố gắng của các cơ quan, nhất là Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và Văn phòng Ban Chỉ đạo đã có các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong xây dựng Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư cũng như đã tích cực trong việc hoàn thiện các thể chế cho việc cấp số định danh cá nhân, vận hành CSDL quốc gia về dân cư.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực cũng lưu ý, CSDL quốc gia về dân cư đến nay mới hoàn thành các thủ tục để chuẩn bị xây dựng, chậm 2 năm so với dự kiến ban đầu. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong triển khai nhiệm vụ cũng vẫn chưa nhịp nhàng.

Qua báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo và các ý kiến góp ý tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực nhất trí với các đề xuất tại Kế hoạch triển khai Đề án trong năm 2017, đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm.

Để bảo đảm hoạt động của Ban Chỉ đạo và Văn phòng Ban Chỉ đạo, Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi các nội dung liên quan đến kiện toàn tổ chức của Ban Chỉ đạo và Văn phòng Ban Chỉ đạo.

Bộ Công an tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, hoàn thiện dự thảo Kế hoạch 2017 trình Trưởng Ban Chỉ đạo ký ban hành để làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án trong tháng 2/2017. Văn phòng Ban Chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện và sớm trình Trưởng Ban Chỉ đạo ký văn bản hướng dẫn việc thành lập Ban Chỉ đạo tại các địa phương.

Tập trung nguồn lực xây hạ tầng kỹ thuật Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, trong năm 2017, Bộ Công an và Bộ Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện, mở rộng số lượng địa phương được triển khai cấp số định danh cá nhân, bảo đảm các thông tin của công dân được thu thập chính xác (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị cần tập trung nguồn lực để xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bên cạnh đó, các bộ, ngành có liên quan cần tiến hành các thủ tục ứng vốn cho triển khai thực hiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xem xét đến những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện tại vùng sâu, vùng xa, người học tập và công tác tại nước ngoài đều có thể được cấp số định danh cá nhân.

Trong năm 2017, Bộ Công an và Bộ Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện, phát huy, mở rộng số lượng địa phương được triển khai cấp số định danh cá nhân, bảo đảm các thông tin của công dân được thu thập chính xác, số định danh cá nhân được cấp theo một quy trình khoa học và đúng quy định.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Đề án 896 cho biết, từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 896 cho đến nay, các nhiệm vụ của giai đoạn 1 Đề án theo Quyết định 896/QĐ-TTg đã cơ bản được hoàn thành.

Quyết định 896/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 8/6/2013.

Đề án hướng tới mục tiêu tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thông lệ quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời góp phần phát triển Chính phủ điện tử.

Được tổ chức triển khai theo 2 giai đoạn, Đề án 896 đã xác định những nhiệm vụ chủ yếu của giai đoạn 1 gồm có: Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc cấp số định danh cá nhân; Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và vận hành CSDL quốc gia về dân cư; Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án khả thi CSDL quốc gia về dân cư, thực hiện các thủ tục xây dựng CSDL quốc gia về dân cư; Hệ thống hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các CSDL liên quan đến quản lý dân cư; Rà soát và đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các CSDL liên quan đến quản lý dân cư.

Dự án CSDL quốc gia về dân cư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào cuối tháng 11/2015. Có thời gian thực hiện trong hai năm 2016 - 2017, với tổng mức đầu tư sau thuế là 3.367 tỷ đồng được lấy từ nguồn vốn Ngân sách nhà nước, dự án xây dựng CSDL quốc gia về dân cư có cơ quan chủ quản là Bộ Công an và chủ đầu tư là Tổng cục Cảnh sát thuộc Bộ Công an. Mục tiêu của dự án là xây dựng CSDL quốc gia về dân cư thống nhất trên toàn quốc, tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo thông tin từ nhà thầu Viettel, dự án CSDL quốc gia về dân cư có quy mô phục vụ khoảng 25 triệu hộ dân, 62 tỉnh thành, 698 quận/huyện và 10.941 phường/xã. Dự án dự kiến đầu tư khoảng 11.700 kênh truyền và khoảng 15.800 bộ thiết bị máy tính. Hệ thống CSDL quốc gia về dân cư gồm 14 hệ thống phần mềm khác nhau thuộc 5 gói phần mềm chính: Quản trị hệ thống và quản trị người dùng, Thu thập tạo lập dữ liệu ban đầu và cấp mã định danh, Quản lý cư trú, Chia sẻ khai thác và cập nhật biến động dữ liệu; và Hệ thống cổng thông tin điện tử. 

Tin mới nhất

Đổi mới, sáng tạo sẽ là câu chuyện chính của xuất bản(25/03/2024 8:34 SA)

Hội nghị triển khai công tác ngành In 2024(25/03/2024 8:31 SA)

Phát động Cuộc thi ảnh, video "Việt Nam hạnh phúc - Happy Vietnam" năm 2024(21/03/2024 8:32 SA)

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Quý I năm 2024 (19/03/2024 2:20 CH)

Báo chí là dòng thông tin chủ lực, quan trọng trên mặt trận thông tin(19/03/2024 7:01 SA)

Khai mạc Hội Báo toàn quốc năm 2024(19/03/2024 6:55 SA)

Báo chí muốn phát triển thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản...(19/03/2024 6:53 SA)

Tuyên truyền đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho...(19/03/2024 6:50 SA)

Tuyên truyền Luật Lý lịch tư pháp QH12(19/03/2024 6:46 SA)

Những điểm mới của hạ tầng viễn thông Việt Nam trong năm 2030(15/03/2024 6:42 SA)

Viện Chiến lược phải cầm nhịp, phải là tổng chỉ huy các chiến lược của Bộ TT&TT(15/03/2024 6:40 SA)

Đã chặn khoảng 50 triệu tin nhắn, 50.000 thuê bao lừa đảo mỗi tháng(15/03/2024 6:39 SA)

Người đứng đầu DN phải phải thực hiện nghiêm công tác quản lý, ngăn chặn triệt để tình trạng Sim rác(15/03/2024 6:38 SA)

Ban hành Thông tư quy định cấu trúc, bố cục, yêu cầu kỹ thuật cho cổng TTĐT của cơ quan nhà nước(14/03/2024 6:48 SA)

Đề xuất quy định về hoạt động bán buôn trong viễn thông(11/03/2024 6:44 SA)

Lần đầu tiên tổ chức Ngày hội gửi thư hưởng ứng cuộc thi viết thư quốc tế UPU(04/03/2024 6:47 SA)

°
107 người đang online