Phát lệnh kết nối mạng các cơ sở bán lẻ thuốc trên toàn quốc

Đăng ngày 28 - 08 - 2018
100%

Ngày 24/8/2018 tại Hưng Yên, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến ứng dụng CNTT kết nối các cơ sở cung ứng thuốc toàn quốc, kết nối tới hơn 700 điểm cầu với sự tham gia của hơn 16.500 đại biểu đại diện các cơ quan ban ngành, và lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Hội nghị có sự tham dự của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Đại tá Hoàng Sơn - Phó Tổng giám đốc Viettel và đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên.

20180824-pg1-PTT.jpg
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế sớm đưa vào triển khai trên toàn quốc hệ thống ứng dụng CNTT kết nối các cơ sở cung ứng thuốc để phục vụ người dân.
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, đây là buổi quán triệt triệt khai chủ trương ứng dụng CNTT kết nối mạng để quản lý các cơ sở bán thuốc trên toàn quốc.
 
Cho rằng xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân và triển khai kết nối hệ thống CNTT quản lý toàn bộ các nhà thuốc trong cả nước là 2 việc thuộc diện những việc cần làm ngay của ngành y tế, liên quan đến số đông người dân Việt Nam, Phó Thủ tướng chỉ rõ, việc kết nối liên thông các nhà thuốc trên toàn quốc sẽ khắc phục được những tồn tại, khó khăn trong công tác quản lý, sử dụng thuốc hiện nay. “Kết nối hệ thống các cơ sở bán lẻ thuốc trong cả nước, cơ quan quản lý ngành y tế, ngành dược sẽ có thêm dữ liệu để quản lý, các nhà thuốc sẽ có thêm công cụ hỗ trợ hoạt động kinh doanh và lợi nhất chính là người dân. Người dân sẽ biết được chất lượng, công dụng thuốc, nguồn gốc thuốc, hạn sử dụng thuốc… và người dân cũng có thể so sánh giá của các nhà thuốc”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế sớm đưa vào triển khai hệ thống trên toàn quốc để phục vụ người dân. Phó Thủ tướng nêu rõ “Quản lý thuốc ở Việt Nam còn lỏng lẻo, tỷ lệ kháng kháng sinh rất cao so với thế giới. Giá thuốc tuy chỉ cao hơn 1 nước trong khu vực ASEAN nhưng phải phấn đấu đưa xuống thấp nhất khu vực. Phải sớm khắc phục tình trạng này bằng việc kết nối các nhà thuốc để quản lý chất lượng, nguồn gốc, hạn sử dụng và so sánh giá thuốc, một mặt tối ưu hóa việc kinh doanh, mặt khác đem lại lợi ích nhiều hơn cho người dân". “Phải làm rất nhanh, lợi cho dân ngày nào phải làm sớm ngày đó”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đồng thời chỉ đạo Bộ Y tế nhanh chóng hoàn thành việc tạo lập Hồ sơ sức khỏe cho người dân.
 
Trong phát biểu tại hội nghị, PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, bên cạnh các kết quả đã đạt được, hoạt động cung ứng và sử dụng thuốc thời gian qua vẫn còn gặp nhiều thách thức. Tình trạng mua bán thuốc không theo đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh đã dẫn đến nguy cơ kháng kháng sinh ngày càng hiện hữu. Bên cạnh đó, vẫn còn có tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng trên thị trường. Hệ thống phân phối thuốc còn trải qua nhiều khâu trung gian, gây khó khăn khi truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng thuốc.
 
Trước tình hình đó, ngày 25/10/2017, Hội nghị Trung ương 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển ngành dược đó là: “Thực hiện đồng bộ các giải pháp để truy xuất nguồn gốc thuốc, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn. Ứng dụng CNTT, thực hiện kết nối, đảm bảo kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc”.
 
Thực hiện yêu cầu tại Nghị quyết 20, Chính phủ đã có Nghị quyết 139 ngày 25/12/2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 20 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã có quyết định phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 - 2020. Bộ cũng đã có kế hoạch triển khai ứng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc, song song với việc xây dựng các quy định nhằm pháp chế hóa yêu cầu bắt buộc ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc.
 
“Đây được coi là giải pháp hữu hiệu giúp người dân thuận tiện tra cứu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả từng loại thuốc; cơ quan nhà nước có thêm công cụ quản lý thuốc trên phạm vi toàn quốc, kiểm soát việc kê đơn, mua bán thuốc theo đơn, tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý thuốc. Đồng thời đây cũng là ví dụ tiêu biểu cho những nỗ lực của Bộ Y tế nhằm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo trong thời đại cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
 
Theo Cục Quản lý Dược, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Cục đã ban hành chuẩn yêu cầu dữ liệu đầu ra phần mềm ứng dụng CNTT kết nối liên thông cơ sở bán lẻ thuốc phiên bản 1.0 gồm 23 tiêu chí chuẩn yêu cầu đầu ra phần mềm kết nối từ cơ sở bán lẻ thuốc với Sở Y tế, Bộ Y tế; 18 tiêu chí chuẩn yêu cầu đầu ra phần mềm tổng hợp các thông tin chung trên địa bàn tỉnh/thành phố; 12 tiêu chí chuẩn yêu cầu đầu ra phần mềm đối với đơn thuốc đảm bảo kiểm soát việc kê đơn, mua bán thuốc theo đơn, kiểm soát xuất xứ, nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc.
 
Bên cạnh đó, Cục Quản lý Dược đã phối hợp cùng Viettel xây dựng và triển khai Hệ thống quản lý Dược quốc gia hướng đến mục tiêu xóa bỏ giấy tờ, quản lý được toàn bộ chuỗi cung ứng thuốc toàn quốc, đảm bảo chất lượng và giá cả chính xác của từng viên thuốc khi tới tay người dân. Với công nghệ lõi và hệ thống giám sát bảo mật tối đa 24/7 chắc chắn sẽ giúp hệ thống nhanh chóng đi vào cuộc sống; phục vụ cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị cung ứng thuốc và người dân.
 
Qua triển khai thí điểm tại các địa phương, từ 4 tỉnh đầu tiên tham gia thí điểm gồm Phú Thọ, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nam Định đến nay đã có 25 tỉnh, thành phố tham gia kết nối liên thông cơ sở cung ứng thuốc, đã cấp tài khoản cho 4.178 cơ sở bán lẻ thuốc, có 1915 cơ sở đã thực hiện kết nối mạng, quản lý được  22.196 đơn thuốc.
 
Cũng theo Cục Quản lý Dược, ngành Dược đặt mục tiêu ngay trong năm 2018 sẽ kết nối nhà thuốc, trạm y tế xã và kết nối các quầy thuốc, tủ thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc trên phạm vi cả nước vào năm 2019.
 
20180824-m02.jpg
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Phó Tổng giám đốc Viettel Hoàng Sơn và đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên bấm nút khai trương hệ thống CNTT kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc. (Ảnh: Đình Nam/Cổng TTĐT Chính phủ)
 
Là đơn vị trực tiếp xây dựng hệ thống CNTT quản lý chuỗi cung ứng thuốc toàn quốc, Phó Tổng giám đốc Viettel Hoàng Sơn cho biết, hệ thống mới khai trương  sẽ giúp giải quyết 2 vấn đề lớn là kết nối người dân với cơ sở y tế, cán bộ y tế và chia sẻ những thông tin chính xác, kịp thời, các công việc thường nhật được dần điện tử hóa. Chủ nhà thuốc có thể giảm thiểu từ 50 - 70% thời gian quản lý kiểm đếm kho, quản lý hóa đơn, doanh thu, mỗi giao dịch chỉ cần từ 30 giây đến 1 phút. Với cơ quan quản lý, 100% báo cáo các cấp được xóa bỏ, việc dự trù, lập kế hoạch, điều phối thuốc, quản lý số liệu được được thực hiện theo thời gian thực từ bất kể nơi đâu, bất kể lúc nào.
 
“Với kinh nghiệm và lợi thế làm chủ các giải pháp công nghệ tiên tiến, kết nối mở hiện nay, Viettel đang không ngừng hoàn thiện hệ sinh thái y tế thông minh để kết nối vì một xã hội khỏe mạnh hơn. Bộ giải pháp không chỉ gồm các hệ thống quản lý chuyên ngành cho cơ quan quản lý mà còn phục vụ tổng thể cho toàn bộ các doanh nghiệp, người dân sử dụng các dịch vụ y tế”, ông Sơn nói.
 
Nhận định giai đoạn chuyển đổi ban đầu sẽ gặp rất nhiều khó khăn, song ông Sơn tin tưởng rằng với sự kết hợp chặt chẽ với các giải pháp viễn thông truyền thống như tin nhắn cho tới các giải pháp CNTT tiện ích như hóa đơn điện tử, thanh toán điện tử, Internet kết nối vạn vật, phân tích dữ liệu lớn… hệ thống sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, không chỉ phục vụ cơ sở cung ứng thuốc mà cả cơ quan quản lý và đặc biệt là người dân, tiến tới quản lý được toàn bộ chuỗi cung ứng thuốc quốc gia một cách minh bạch, không giấy tờ. Người dân luôn được cung cấp đầy đủ, hợp lý loại thuốc mình cần, không bị ảnh hưởng bởi thuốc giả, thuốc kém chất lượng.
 
Để hệ thống thực sự đi vào đời sống và không ngừng được hoàn thiện, tích hợp thêm nhiều công nghệ hiện đại, Viettel cam kết sẽ đồng hành cùng ngành y tế để không ngừng nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ tiên tiến, thân thiện nhất với người dùng để góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý của ngành và chất lượng phục vụ người dân.
 
Hệ thống ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc toàn quốc do Viettel xây dựng gồm: Hệ thống quản lý nhà thuốc; Cơ sở dữ liệu Dược quốc gia; Cổng tra cứu trên web và ứng dụng tra cứu thuốc trên di động cho người dân, đồng thời cảnh báo thuốc kém chất lượng, thuốc giả tới cơ quan quản lý.
 
Theo đó, với nhà thuốc hệ thống giúp tin học hóa toàn bộ hoạt động quản lý bán hàng, kho, hóa đơn điện tử, đảm bảo liên thông những dữ liệu được yêu cầu lên Hệ thống quản lý Dược Quốc gia; Quản lý được chuỗi nhà thuốc; Quản lý triệt để hoạt động của nhân viên, tránh thất thoát hàng hóa; Giảm thời gian, chi phí và tăng hiệu quả hoạt động. Đối với Bộ Y tế, Sở Y tế, hệ thống giúp quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng thuốc từ sản xuất, nhập khẩu, phân phối bán buôn, bán lẻ; Kiểm soát thuốc giả, thuốc hết hạn, thuốc kém chất lượng; Kiểm soát chặt chẽ kê đơn, bán thuốc theo đơn, hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, kê thêm thuốc không hợp lý, kê tập trung vào 1 số nhà cung cấp; Truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tình trạng thuốc tại các cơ sở và trên thị trường, đảm bảo công tác thu hồi thuốc đúng đủ theo quy định. Đối với người dân, hệ thống giúp tra cứu, truy xuất được nguồn gốc thuốc, tránh sử dụng thuốc giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc hết hạn sử dụng. Nhận cảnh báo hoặc báo cáo cơ quan chức năng ngay khi nghi ngờ thuốc giả, kém chất lượng…

Ý kiến bạn đọc

    Tin mới nhất

    Thông tin sự kiện bế mạc hội sách trực tuyến quốc gia 2021(13/05/2021 4:46 CH)

    Tổ chức, cá nhân không sản xuất, nhập khẩu, bán và sử dụng các thiết bị âm thanh không dây không...(05/05/2021 4:16 CH)

    Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Duy Hưng làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông(01/04/2021 3:06 CH)

    Xếp lương viên chức phát thanh viên, quay phim theo 4 hạng(16/11/2020 2:48 CH)

    Sở Thông tin và Truyền thông Hưng Yên: 15 năm phát triển(19/08/2020 8:12 SA)

    VNPT Hưng Yên đồng hành phòng chống dịch bệnh Covid-19(30/06/2020 8:10 SA)

    Thực hiện quy hoạch, góp phần nâng cao chất lượng báo chí(22/06/2020 8:07 SA)

    Đại hội Chi bộ Sở Thông tin và Truyền thông lần thứ IV(12/06/2020 10:20 SA)

    Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên(08/06/2020 9:41 SA)

    Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thăm và làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông Hưng Yên(05/06/2020 4:39 CH)

    Phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông(28/04/2020 10:48 SA)

    Khai mạc Hội sách trực tuyến 2020, lần đầu tiên được tổ chức(20/04/2020 7:32 SA)

    file tuyên truyền âm thanh covid 19(07/04/2020 9:55 SA)

    Ngành TT&TT cam kết, đồng hành hỗ trợ ngành Giáo dục – đào tạo trong phòng chống dịch bệnh covid-19(26/03/2020 3:44 CH)

    Xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Hưng Yên(20/03/2020 10:50 SA)

    Kết quả triển khai việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch...(05/03/2020 10:47 SA)

    °
    64 người đang online