Xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Hưng Yên

Những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách để đẩy mạnh ứng dụng CNTT xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT). Trong đó, đáng chú ý là Chương trình hành động số 111-CTr/TU ngày 30/10/2014 của Tỉnh ủy về Thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Kế hoạch 312/KH-UBND ngày 30/12/2015 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP của chính phủ về Chính phủ điện tử; Kế hoạch 265/KH-UBND ngày 19/11/2015 của UBND tỉnh về Ứng dụng CNTT trong hoat động các cơ quan nhà nước tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 2277/QĐ-UBND ngày 14/8/2017 của UBND tỉnh về phê duyệt kiến trúc CQĐT tỉnh Hưng Yên; Kế hoạch hành động số 44/KH-UBND ngày 29/3/2019 thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025. Các văn bản này đã tạo “cú hích” trong hoạt động ứng dụng CNTT trong hoạt động cải cách hành chính của địa phương nói riêng và xây dựng CQQĐT tại tỉnh nói chung.

Bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo và điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trong thời gian qua, hoạt động ứng dụng CNTT trong xây dựng CQĐT trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển đột phá như: Hạ tầng CNTT của tỉnh được chú trọng đầu tư xây dựng, đảm bảo triển khai ứng dụng CNTT tập trung, từng bước khắc phục tình trạng phân tán, thiếu đồng bộ nhằm phát huy hiệu quả sử dụng, tiết kiệm ngân sách nhà nước và thực hiện tốt các giải pháp về an toàn thông tin. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trực tuyến được xây dựng và từng bước kiện toàn, tạo nền tảng phát triển cơ quan điện tử, chính quyền điện tử. Phần mềm quản lý văn bản điều hành được triển khai cho 100% các cơ quan hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tỷ lệ văn bản được gửi, nhận hoàn toàn điện tử trên phần mềm Quản lý văn bản và điều hành trong nội bộ tỉnh đạt trên 98%; Tỷ lệ văn bản được gửi, nhận song song bằng văn bản điện tử trên phần mềm Quản lý văn bản và điều hành và văn bản giấy dưới 2%. Đến nay đã cấp chứng thư số, chữ ký số chuyên dùng cho 100% các sở, ngành, UBND cấp huyện và lãnh đạo các đơn vị cấp sở, ngành, huyện. 100% UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được cấp chứng thư số phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử. Đến nay đã cấp được 773 chứng thư số và chữ ký số chuyên dùng của Ban cơ yếu Chính phủ quản lý. Phần mềm một cửa điện tử đã triển khai đến 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, góp phần phục vụ người dân và doanh nghiệp trong việc giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Hệ thống thư điện tử công vụ đã được cấp cho 100% các cơ quan hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đã được tỉnh triển khai đưa vào sử dụng tại 15 điểm cầu trên toàn tỉnh (1 điểm cầu tại trung tâm UBND tỉnh và các điểm cầu nhánh).Cổng dịch vụ công và hệ thống Một cửa điện tử đã được triển khai, đi vào hoạt động từ cấp tỉnh đến cấp xã với gần 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 20% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Hệ thống tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh đã đi vào hoạt động ổn định đảm bảo vận hành và khai thác hiệu quả. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành và địa phương cũng đã nỗ lực triển khai ứng dụng CNTT vào chuyên ngành, giải pháp kỹ thuật theo kế hoạch của ngành, địa phương như: Ngành Giáo dục và Đào tạo đã đưa sổ liên lạc điện tử, định vị học sinh, phương thức đào tạo trực tuyến vào công tác quản lý, dạy và học; Bệnh viện đã áp dụng phần mềm quản lý bệnh viện; Ngành Bảo hiểm đã thực hiện kê khai bảo hiểm xã hội trực tuyến; giám định bảo hiểm liên thông; hệ thống Hội nghị trực tuyến tỉnh Hưng Yên đã đảm bảo các cuộc họp được thực hiện theo hình thức trực tuyến từ UBND tỉnh đến UBND cấp huyện, UBND cấp xã ...

Với sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; sự cố gắng, nỗ lực của các sở, ban, ngành, việc ứng dụng CNTT đã được sử dụng rộng rãi trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện vượt bậc về chỉ số đánh giá mức độ sẵn sàng cho ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (ICT Index) của tỉnh.

Trong thời gian tới, để đạt được các mục tiêu trong hoạt động ứng dụng CNTT xây dựng chính quyền điện tử, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; Xây dựng hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh (LGSP) kết nối với hệ thống NGSP quốc gia phục vụ tích hợp, chia sẻ, khai thác dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia; Đẩy mạnh trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước, dùng hoàn toàn văn bản điện tử đối với các văn bản hành chính thông thường; Sử dụng hoàn toàn chữ ký số chuyên dùng trong việc gửi/nhận văn bản trên môi trường mạng; Tiếp tục đẩy mạnh hình thức thuê dịch vụ CNTT đối với Hệ thống thông tin Một cửa điện tử; tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, và hỗ trợ các cá nhân, tổ chức thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; Thống nhất dùng chung một phần mềm quản lý văn bản và điều hành đồng bộ, kết nối liên thông giữa các cơ quan, đơn vị và sẵn sàng kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia. Hoàn thiện Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Hưng Yên có khả năng kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác; Triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số cho các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh và thiết bị di động để thuận tiện cho việc sử dụng của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức và các cơ quan nhà nước; Tích cực tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, góp phần đẩy mạnh phát triển CQĐT tỉnh.