Xuất bản điện tử: Hướng đến chuyên nghiệp

Với sự phát triển của công nghệ thông tin và mức độ phổ biến thiết bị di động thông minh, tưởng rằng xuất bản điện tử nước ta sẽ phát triển mạnh, song hành với xuất bản truyền thống, góp phần nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng. Thế nhưng, thời gian qua, xuất bản điện tử vẫn khá trầm lắng do còn nhiều rào cản cần vượt qua để hướng đến hoạt động chuyên nghiệp, bắt kịp xu thế của thế giới và nhu cầu đời sống.

Chưa tương xứng tiềm năng

Có thị trường hơn 90 triệu dân, với tỷ lệ người sử dụng thiết bị công nghệ tương đối cao (riêng tại Hà Nội có khoảng 80% trong tổng số thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh), xuất bản điện tử được kỳ vọng là hướng phát triển đột phá. Tuy nhiên, gần 10 năm qua, nhất là sau khi những nội dung về xuất bản điện tử được quy định trong Luật Xuất bản sửa đổi năm 2012, hoạt động xuất bản điện tử ở nước ta vẫn ở vị trí khiêm tốn.
 
Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2019, các đơn vị thực hiện và nộp lưu chiểu 37.100 xuất bản phẩm, đạt doanh thu 2.600 tỷ đồng. Trong đó, xuất bản phẩm điện tử đạt hơn 2.400 cuốn với 1,5 triệu lượt truy cập, doanh thu đạt khoảng 100 tỷ đồng, chiếm gần 4% doanh thu hoạt động xuất bản. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, con số thống kê trên cho thấy thị trường xuất bản điện tử ở nước ta phát triển chưa xứng với tiềm năng.
 
20200618-l1.jpg
 
Xuất bản điện tử tại nước ta khá trầm lắng do còn nhiều rào cản cần vượt qua để hướng đến chuyên nghiệp. Ảnh: Thái Hiền
 
Thực tế, thời gian đầu hoạt động xuất bản điện tử được đầu tư mạnh với nhiều đơn vị ra đời như: Lạc Việt, Sachweb, Ybook, Waka, Komo…; cung cấp hàng nghìn sách điện tử có bản quyền thuộc nhiều lĩnh vực cho độc giả. Song, hiện nay, một số đơn vị đã rời thị trường, dừng hoạt động… Lý giải điều này, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Phụ nữ Khúc Thị Hoa Phượng cho rằng, độc giả Việt Nam vẫn có thói quen đọc sách in. Ngoài ra, còn một thói quen chưa tốt của bạn đọc, đó là chỉ muốn tiêu dùng miễn phí, ít chịu trả tiền cho những sản phẩm trực tuyến, khiến doanh thu mảng này kém, các đơn vị giảm đầu tư.
 
Chị Nguyễn Thị Thu Hà (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Thời gian gần đây, tôi tìm hiểu sách điện tử và sách nói, nhận thấy ưu điểm là rất tiện lợi, có thể đọc ở bất cứ đâu, nghe sách khi đang làm việc nhà…, nên cũng hứng thú. Song, các xuất bản phẩm điện tử chưa phong phú, tiện lợi”.
 
Còn theo Phó Giám đốc Nhà Xuất bản Trẻ Nguyễn Thành Nam, rào cản lớn nhất của hoạt động xuất bản điện tử hiện nay là nạn vi phạm bản quyền tràn lan. Độc giả có thể tìm thấy bản điện tử của bất cứ cuốn sách nào trên mạng để đọc, mà không phải trả tiền. Trong khi đó, theo quy định, các đơn vị muốn xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử phải xây dựng đề án hoạt động xuất bản và phải bảo đảm các yêu cầu cao về năng lực thiết bị, công nghệ, nhân lực kỹ thuật…
 
Hiện tại, chỉ có 6 nhà xuất bản và 2 nhà phát hành đáp ứng và được cấp đăng ký hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử. Nhiều đơn vị có sản phẩm đa dạng, hợp nhu cầu, thị hiếu của độc giả, nhưng không phải lúc nào cũng là đối tác liên kết với các đơn vị được cấp đăng ký kể trên, khiến thị trường xuất bản điện tử bị chững lại.  
 
Tạo hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi
 
Các đơn vị xuất bản và phát hành đều nhận định, xuất bản điện tử là tương lai của ngành Xuất bản và cần được đầu tư, phát triển chuyên nghiệp. Hơn nữa, dịch Covid-19 đã thúc đẩy tiêu dùng số cũng tạo thời cơ phát triển xuất bản điện tử.
 
Theo Waka - đơn vị phát hành được cấp phép hoạt động xuất bản điện tử, trong những tháng đầu 2020, doanh thu của đơn vị tăng 20%-30%, lượng độc giả truy cập đạt 15.000 người và đặc biệt tăng trong thời điểm thực hiện cách ly xã hội phòng, chống dịch Covid-19. Thuận đà, Waka đã đầu tư mua thêm nhiều bản quyền phát hành sách và mạnh dạn phát triển mảng sách nói. Nhiều đơn vị cũng nỗ lực vượt qua rào cản, chuyển đổi số mạnh mẽ. Nhà Xuất bản Phụ nữ Việt Nam đang xây dựng Trung tâm Tri thức số dành cho phụ nữ, gia đình và trẻ em, có cung cấp sách điện tử và tương tác mua sách trực tuyến. Nhà Xuất bản Trẻ đang hoàn thiện đề án hoạt động xuất bản điện tử để đưa kênh Ybook lên tầm cao mới…
 
20200618-l2.jpg
 
Đa số độc giả Việt Nam vẫn có thói quen đọc sách in và chỉ muốn sử dụng các xuất bản phẩm miễn phí. Ảnh: Giang Sơn
 
Tuy nhiên, để phát triển lĩnh vực này, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh Đinh Thị Thanh Thủy cho rằng, cơ quan quản lý cần hướng dẫn chi tiết thủ tục, điều kiện để các đơn vị thuận lợi tham gia; đồng thời, tăng cường quản lý, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm bản quyền trong hoạt động xuất bản. Phó Giám đốc Nhà Xuất bản Trẻ Nguyễn Thành Nam đề xuất, nên có chiến lược quốc gia về xuất bản và phát hành sách điện tử. Chiến lược đó sẽ quy hoạch lại các đơn vị có đủ khả năng xuất bản, kinh doanh số, tận dụng nguồn lực và lợi ích của công nghệ để phát triển đa dạng hình thức xuất bản điện tử: Sách điện tử, sách nói, sách tương tác ảo...
 
Liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết, trong thời gian tới, xuất bản điện tử là lĩnh vực được Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành Xuất bản chú trọng, tạo hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi cho các đơn vị xuất bản, phát hành tham gia.
 
Cùng với nỗ lực từ nội bộ ngành, việc tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong sử dụng xuất bản phẩm điện tử cần được đẩy mạnh, mới tạo chuyển biến đồng bộ, đột phá cho lĩnh vực này.  

mic.gov.vn