Trao giải báo chí về chủ đề “Văn hóa ứng xử”

Chiều ngày 18/11, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL), Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải báo chí về chủ đề “Văn hóa ứng xử”. Tới dự và trao giải có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện; Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi.

 

20201118-l6.jpg

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo trao Giải Nhất cho tác giải và nhóm tác giả

Phát biểu tại Lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo - Trưởng Ban tổ chức Giải báo chí về chủ đề “Văn hóa ứng xử”, nhấn mạnh: Thực hiện Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại phiên họp tổng kết năm 2018, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ VHTT&DL, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Giải báo chí về chủ đề "Văn hóa ứng xử". Đây là lần đầu tiên Giải báo chí về chủ đề "Văn hóa ứng xử" được tổ chức, là hoạt động có ý nghĩa trong việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước.
 
20201118-l2.jpg
 
 Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại Lễ trao giải
         
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo khẳng định: Để có được những tác phẩm báo chí tiêu biểu về các chủ đề trên, phải kể đến công sức lao động không biết mệt mỏi của các phóng viên, biên tập viên đã bám sát thực tiễn cuộc sống, phản ánh sâu sắc, toàn diện những tấm gương người tốt, việc tốt, những cách làm hay, những điển hình tiên tiến để biểu dương, nhân rộng; đấu tranh phê phán những thói hư, tật xấu trong xã hội. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19, báo chí thực sự đã góp phần to lớn tạo sự lan tỏa, sự đồng thuận, sự đoàn kết, ủng hộ của toàn dân, khơi dậy, phát huy tinh thần và truyền thống nhân ái trong toàn xã hội.
 
“Việc các cơ quan báo chí, các nhà báo tích cực nhập cuộc để sáng tạo kịp thời và có chất lượng các tác phẩm báo chí về chủ đề này, cũng chính là những ứng xử văn hóa có chiều sâu của đội ngũ những người làm báo đối với đất nước, với Nhân dân”, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo chia sẻ.
 
20201118-l7.jpg
 
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện; Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo  trao giải Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích cho 8 tập thể  cơ quan báo chí
 
20201118-l5.jpg
 
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa trao giải Nhì cho các tác giả, nhóm tác giả
 
20201118-l4.jpg
 
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi trao giải Nhì cho các tác giả, nhóm tác giả đạt giải
 
20201118-l3.jpg
 
Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở Nguyễn Văn Tạo và Trưởng Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam Trần Bá Dung trao giải Khuyến khích cho các tác giả, nhóm tác giả đạt giải
 
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, qua một năm kể từ ngày phát động, Ban Tổ chức đã nhận được 358 tác phẩm ở 5 thể loại báo in, báo điện tử, báo hình, báo nói và ảnh báo chí, của gần 70 tác giả, nhóm tác giả đến từ hơn gần 100 cơ quan báo chí và đông đảo cộng tác viên trên toàn quốc.
 
Qua hai vòng Sơ khảo và Chung khảo, Ban Tổ chức đã lựa chọn 37 tác phẩm báo chí xuất sắc nhất và 08 cơ quan báo chí tích cực tham gia và đạt nhiều giải để trao giải.
 
Tham dự Giải là các tác phẩm thuộc các thể loại bài phản ánh, phóng sự, điều tra, bút ký, chương trình tọa đàm và ảnh báo chí tuyên truyền về văn hóa ứng xử, được đăng, phát trên các loại hình báo chí: Báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình từ ngày 01/01/2019 đến ngày 30/8/2020.
 
Nội dung các tác phẩm tham gia Giải đảm bảo tính chân thực, người thật, việc thật, có tính chính xác, khách quan, có định hướng tư tưởng, chính trị, có tính phát hiện; phương pháp thể hiện sáng tạo, hấp dẫn. Đối tượng phản ánh là những tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu, những kinh nghiệm hay, mô hình tốt trong văn hóa ứng xử trên các lĩnh vực: văn hóa ứng xử trong gia đình, trường học, bệnh viện, công sở, nơi công cộng...
 
Mục đích của việc tổ chức Giải báo chí về chủ đề “Văn hóa ứng xử” nhằm góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân; tích cực tham gia xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nếp sống văn hóa, con người Việt Nam phù hợp với các chuẩn mực ứng xử văn minh, hiện đại trong tiến trình hội nhập quốc tế. Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về văn hóa ứng xử; động viên, khuyến khích các cơ quan báo chí, nhà báo trong nước tuyên truyền về văn hóa ứng xử, tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.
 

Giải báo chí về chủ đề “Văn hóa ứng xử” được trao cho 37 tác phẩm xuất sắc và 08 cơ quan báo chí được trao giải, cụ thể:

- Giải tập thể: 08 giải, gồm (01 giải Nhất, 01 giải Nhì, 01 giải Ba và 05 giải Khuyến khích).
 
- Giải cá nhân:
 
+ Thể loại báo in: 09 tác phẩm (gồm 01 giải Nhất, 01 giải Nhì, 02 giải Ba và 05 giải Khuyến khích).
 
+ Thể loại báo điện tử: 08 tác phẩm, gồm (01 giải Nhất, 01 giải Nhì, 02 giải Ba và 04 giải Khuyến khích).
 
+ Báo ảnh: 05 tác phẩm, gồm (01 giải Nhì, 02 giải Ba và 02 giải Khuyến khích).
 
+ Báo hình: 08 tác phẩm, gồm (01 giải Nhì, 01 Nhì, 02 giải Ba và 04 giải Khuyến khích).
 
+ Báo nói: 07 tác phẩm, gồm (01 giải Nhì, 01 Nhì, 02 giải Ba và 03 giải Khuyến khích).
 

mic.gov.vn