20/04/2021 | lượt xem: 6 BẦU CỬ ĐBQH KHOÁ XV VÀ ĐẠI BIỂU HĐND CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021-2026: BẢO ĐẢM ĐIỀU KIỆN ĐỂ CHỌN ĐƯỢC ĐẠI BIỂU NGANG TẦM NHIỆM VỤ Mọi công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đều hướng đến mục tiêu bảo đảm các điều kiện thuận lợi nhất để cử tri bầu chọn được các đại biểu tiêu biểu, ngang tầm nhiệm vụ, xứng đáng đại diện cho Nhân dân tại Quốc hội, HĐND các cấp... Mọi công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đều hướng đến mục tiêu bảo đảm các điều kiện thuận lợi nhất để cử tri bầu chọn được các đại biểu tiêu biểu, ngang tầm nhiệm vụ, xứng đáng đại diện cho Nhân dân tại Quốc hội, HĐND các cấp. Nhấn mạnh điều này, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu NGUYỄN THỊ THANH cũng lưu ý, trong thời gian tới, sẽ bắt đầu nhiều công việc ở cơ sở, liên quan đến con người cụ thể, do đó, từng cá nhân, tổ chức trong từng công đoạn bầu cử, đều phải thận trọng, kỹ lưỡng, bảo đảm khách quan, dân chủ và công khai, minh bạch. Quy trình chặt chẽ, trách nhiệm rõ ràng - Cơ cấu, tiêu chuẩn, chất lượng của ứng cử viên luôn được cử tri quan tâm trong mỗi cuộc bầu cử. Với bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, vấn đề này được xử lý như thế nào, thưa bà? - Cơ cấu, tiêu chuẩn, chất lượng ứng cử viên sẽ quyết định chất lượng đại biểu được bầu. Do đó, một yêu cầu quan trọng được Bộ Chính trị xác định tại Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20.6.2020 về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (sau đây gọi chung là bầu cử - PV) là bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Ảnh: Q.Khánh Đây cũng là quan điểm xuyên suốt trong các kỳ bầu cử trước đây nhưng đúng là trên thực tế cũng có lúc, có nơi còn nặng về cơ cấu, một ứng cử viên phải “gánh” nhiều cơ cấu như là nữ, trẻ tuổi, chưa phải đảng viên, dân tộc thiểu số, nên ảnh hưởng tới chất lượng đại biểu. Vì thế, ngay tại Chỉ thị số 45, Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh yêu cầu phải tập trung lãnh đạo thực hiện tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ, người được giới thiệu phải thực sự tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các cơ quan hữu quan đã phối hợp chặt chẽ, xác định dự kiến cơ cấu, thành phần người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Hiện nay, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đang giới thiệu người ứng cử và tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ người ứng cử. Tôi tin tưởng, với kinh nghiệm tổ chức các cuộc bầu cử trước đây, với sự lãnh đạo chỉ đạo sát sao của Đảng và trách nhiệm rất cao của các cơ quan, tổ chức trực tiếp làm nhiệm vụ tổ chức bầu cử thì câu chuyện về cơ cấu - tiêu chuẩn, chất lượng lần này sẽ được bảo đảm tốt hơn nữa. - Chỉ thị 45 được Bộ Chính trị ban hành rất sớm và đặt ra những yêu cầu rất quan trọng đối với nhân sự giới thiệu ứng cử. Trên cơ sở Chỉ thị này, Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ về quy trình nhân sự, tiêu chuẩn nhân sự ứng cử. Từ đây có thể kỳ vọng chất lượng ứng cử viên sẽ được nâng cao hơn so với các kỳ bầu cử trước, thưa bà? - Có thể nói rằng, quy trình lựa chọn nhân sự, tiêu chuẩn nhân sự ứng cử lần này đã được bổ sung, hoàn thiện thêm một bước. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp - dù được giới thiệu ứng cử hay là tự ứng cử - đều phải đáp ứng các điều kiện “cứng” được quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Tuy nhiên, Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương còn quy định với người do cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu thì phải đáp ứng thêm yêu cầu như: Là người tiêu biểu, xuất sắc trong công tác; có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng; có năng lực phân tích, hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, có chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn phù hợp; thể hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, không vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm. Không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết… Đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND chuyên trách thì lại có tiêu chuẩn cao hơn nữa về độ tuổi, trình độ, chức vụ, sức khỏe… Thực hiện nghiêm túc, công tâm các quy định trên thì chất lượng ứng cử viên sẽ được nâng lên. Các cơ quan, tổ chức giới thiệu người ứng cử phải rà soát kỹ lưỡng theo các tiêu chuẩn này chứ không thể cảm tính, qua loa. Chất lượng đại biểu phải được nâng lên - Một điểm rất mới của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội lần này là tăng số lượng đại biểu chuyên trách và giảm số lượng đại biểu kiêm nhiệm của các cơ quan hành pháp. Theo dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần người ứng cử đại biểu Quốc hội thì số đại biểu từ các cơ quan hành pháp đã giảm, nhưng có bảo đảm được tỷ lệ đại biểu chuyên trách như quy định hay không cũng không đơn giản, thưa bà? - Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định tối thiểu 35% tổng số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, năm 2020 Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định nâng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội. Nhằm nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, trong đó có đại biểu Quốc hội chuyên trách, trên cơ sở quy định của Đảng và pháp luật, Đảng đoàn Quốc hội đã sớm chỉ đạo công tác quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách từ các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ban, ngành, địa phương. Chỉ thị số 45, Bộ Chính trị đã yêu cầu bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội và đạt tỷ lệ đại biểu chuyên trách. Hướng dẫn 36 của Ban Tổ chức Trung ương như tôi đã nói ở trên, cũng đặt ra tiêu chuẩn cao để lựa chọn người được giới thiệu làm đại biểu chuyên trách. Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức trong lựa chọn, giới thiệu người ứng cử làm đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và địa phương. Với quan điểm chỉ đạo từ rất sớm như vậy, tôi tin tưởng, chúng ta có đủ “nguồn” nhân sự, hơn nữa còn là nguồn chất lượng để giới thiệu ứng cử, tham gia Quốc hội nói chung và tham gia hoạt động chuyên trách tại Quốc hội nói riêng. - Diễn ra sau khi Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã rất thành công, đề ra khát vọng phát triển đất nước thịnh vượng, hạnh phúc với những nhiệm vụ hết sức hệ trọng, bà kỳ vọng gì ở cuộc bầu cử sắp tới? - Tôi tin tưởng rằng, chúng ta sẽ bầu chọn được các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND ngang tầm nhiệm vụ. 4 chữ “ngang tầm nhiệm vụ” rất ngắn gọn nhưng ở đó là trọng trách của Quốc hội, HĐND trong một giai đoạn phát triển mới của đất nước: Hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước với tầm nhìn đến năm 2045 đã được Đảng ta đề ra, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa ngăn chặn được, tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường; đất nước đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi và nhiều khó khăn, thách thức đan xen, nhiều vấn đề mới đặt ra phải giải quyết. Với vai trò là cơ quan lập pháp, cơ quan quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước, Quốc hội sẽ phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, kiến tạo các khuôn khổ pháp lý mới để có thể khai phóng tối đa các tiềm năng, thế mạnh của đất nước, của Nhân dân, nâng cao nội lực và khả năng thích ứng linh hoạt của nền kinh tế trước những biến chuyển nhanh chóng của đời sống và đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Để Quốc hội làm tốt vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, chất lượng đại biểu nhất định phải được nâng lên. Trên cơ sở tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần đã được quy định, hướng dẫn, từng cơ quan, tổ chức phải lựa chọn được người tiêu biểu nhất, xứng đáng nhất giới thiệu cho cử tri bầu chọn. Các công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử đến thời điểm này đã được tiến hành đúng tiến độ, dân chủ, tuân thủ chặt chẽ sự lãnh đạo của Đảng, các quy định của pháp luật. Phần việc còn lại hết sức nặng nề và sẽ tập trung ở cơ sở, liên quan đến con người cụ thể, do đó, từng tổ chức, từng cá nhân liên đều phải thực hiện công việc thận trọng, kỹ lưỡng, khách quan, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Quyền quyết định cuối cùng thuộc về cử tri nhưng chúng ta phải bảo đảm các điều kiện thuận lợi nhất, công bằng nhất để cử tri tự tin và yên tâm với lựa chọn của mình. - Xin cảm ơn bà!
Hưng Yên: 98,03% số cử tri trong toàn tỉnh đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026