21/05/2014 | lượt xem: 10 Bộ Thông tin và Truyền thông công bố Quyết định của Thủ tướng về Ngày Sách Việt Nam Tại vườn hoa Lý Thái Tổ, Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày Sách Việt Nam” lần đầu tiên. Đến dự buổi Lễ có ông Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Trần Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giáo dục và Đào tạo; UBND Thành phố Hà Nội; Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam; đại diện Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam… cùng đông đảo các học giả, nhà nghiên cứu văn hóa, người làm xuất bản, in và phát hành, thư viện; học sinh - sinh viên và bạn đọc Thủ đô. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam 21/4 hàng năm. Phát biểu tại buổi Lễ, thay mặt lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh: Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc đến giá trị của sách và vai trò thiết yếu của sách đối với đời sống xã hội. Ngay sau khi giành được độc lập dân tộc, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị mở chiến dịch “chống nạn mù chữ” vì với Người một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta cũng đã dành những quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa đọc nói riêng. Nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tôn vinh những người làm sách, sưu tầm sách, lưu giữ sách đã được ban hành để duy trì và phát triển các hoạt động này. Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đọc trong đời sống xã hội, Đảng và Nhà nước ta quyết định lấy ngày 21 tháng tư hằng năm là “Ngày Sách Việt Nam”. Việc chọn “Ngày Sách Việt Nam” gắn với một tác phẩm nổi tiếng của Người: “Đường Kách mệnh” (năm 1927) của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam sẽ có ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Tháng tư còn là thời gian diễn ra “Ngày sách và bản quyền thế giới” - 23 tháng tư” nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích mọi người trên thế giới khám phá niềm yêu thích đọc sách. Do đó, chúng ta lấy ngày 21 tháng tư hằng năm là “Ngày Sách Việt Nam” cũng nhằm mục đích gắn kết các hoạt động tổ chức trong nước để hưởng ứng “Ngày sách và bản quyền thế giới”, thể hiện sự hội nhập của văn hóa Việt Nam với văn hóa nhân loại. Bộ trưởng khẳng định: Việc Thủ tướng Chính phủ Quyết định lấy ngày 21 tháng 4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam đây là một quyết định hết sức quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với những người viết sách, những người làm công tác xuất bản, in và phát hành sách nói riêng, các tầng lớp nhân dân ở khắp mọi miền đất nước, kiều bào ta ở nước ngoài nói chung. Để góp phần thúc đẩy, khích lệ, cổ vũ cho phong trào phát triển văn hóa đọc, góp phần xây dựng xã hội học tập. Đây là một sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội có ý nghĩa rất thiết thực, góp phần quan trọng vào xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt, trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách đóng vai trò rất quan trọng, là người thầy vĩ đại thắp sáng trong chúng ta nguồn tri thức vô tận, dạy cho chúng ta cách sống, cách làm người, hướng tới các giá trị nhân văn cao cả. Có thể nói, sách chính là người bạn gần gũi chia sẻ mọi nỗi vui, buồn của mỗi người, và đọc sách đã trở thành một nhu cầu cần thiết, không thể thiếu của mọi người trong xã hội. Ở thời đại nào con người cũng lấy việc học, việc đọc sách làm phương cách để hoàn thiện nhân cách con người, để tiến bộ trong cuộc sống cá nhân và cuộc sống xã hội. Trong mấy chục năm qua, văn hóa đọc ở nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc. Hằng năm, Ngành Xuất bản đã xuất bản hàng chục nghìn đầu sách, với tổng số phát hành hàng chục triệu bản. Năm 2013, mức hưởng thụ bình quân của người dân ở mức 3,2 bản sách/người. Hệ thống thư viện công cộng đã phát triển rộng khắp từ tỉnh, tới huyện và đang vươn tới nhiều xã, phường, thị trấn trong toàn quốc. Cả nước hiện có 01 thư viện quốc gia, 63 thư viện cấp tỉnh, 649 thư viện cấp huyện và khoảng 2.400 thư viện xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, còn có hệ thống thư viện của các nhà trường từ phổ thông đến đại học, thư viện khoa học - kỹ thuật, thư viện quân đội… Chúng ta cũng xây dựng được hàng nghìn tủ sách pháp luật, tủ sách Điểm Bưu điện - Văn hóa xã, tủ sách đồn biên phòng cùng với hàng chục nghìn phòng đọc sách, tủ sách lớn nhỏ ở các làng, bản, thôn, ấp… đã và đang từng bước phát huy tác dụng trong việc phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo, làm cho văn hóa đọc cùng với văn hóa nghe nhìn thực hiện tốt chức năng tư tưởng, chức năng xã hội của mình. Đặc biệt, đã xuất hiện các tủ sách, thư viện tư nhân, thư viện gia đình với những bộ sưu tập sách rất có giá trị và phong phú, không chỉ có ở các thành phố mà còn được phát triển ở các vùng nông thôn. Nhiều nhà sách, cửa hàng sách, siêu thị sách đã phát triển nhanh chóng trong mấy năm qua, nhất là tại các thành phố lớn. Trong đó, các Hội chợ sách trong nước và quốc tế, phố sách cũng đã được tổ chức ở các thành phố lớn đã tạo cho công chúng được tiếp cận thường xuyên và dễ dàng hơn với sách mới được xuất bản. Đồng thời, “Ngày Sách Việt Nam” còn là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách; góp phần quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam. Cũng tại Lễ công bố, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son kêu gọi các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức và cả cộng đồng xã hội nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, hướng tới xây dựng một xã hội học tập và học tập suốt đời. Mỗi người cần dành một khoảng thời gian quý báu trong ngày, trong tuần để đọc sách, để làm giàu thêm vốn tri thức cho mình, làm giàu thêm kho tàng tri thức của đất nước và của nhân loại. Sau Lễ công bố Ngày Sách Việt Nam sẽ diễn ra chuỗi hoạt động với nhiều hình thức phong phú, tập trung tại ba địa điểm chính ở Thủ đô là: vườn hoa Lý Thái Tổ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Thư viện Quốc gia Việt Nam, Đường sách diễn ra dọc theo tuyến phố Ngô Quyền - Đinh Lễ.… từ ngày 19 đến ngày 21/4.
Dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ
Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đặng Ngọc Quỳnh thăm, tặng quà Tết và trao Huy hiệu Đảng tại huyện Phù Cừ
Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ IV chính thức khai mạc ngày 8/12