09/03/2023 | lượt xem: 11 Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới Thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng NTM là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và chiến lược chuyển đổi số quốc gia, triển khai một cách chủ động, linh hoạt. Với mục tiêu thực hiện thành công việc chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, ngày 02/12/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 195/KH-UBND về thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2022-2025. Nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng NTM cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư, trong năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Cục Chuyển đổi số quốc gia - Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức 03 hội nghị tập huấn liên quan đến nội dung chuyển đổi số kỹ năng số. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng hệ thống Quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa tỉnh Hưng Yên (https://hy.check.net.vn) cho khoảng gần 400 người tham gia để cập nhật thông tin nguồn gốc hàng hóa phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc hàng hóa và tổ chức 01 hội nghị tập huấn cho hơn 100 chủ thể các sản phẩm được chứng nhận OCOP tỉnh Hưng Yên, Sở Công Thương đã tổ chức Hội nghị về thương mại điện tử, với sự tham gia của một số doanh nghiệp Bưu chính, chuyển phát và thực hiện hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng nền tảng số trong lĩnh vực thương mại điện tử như tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho người dùng sử dụng sàn giao dịch điện tử Postmart, Voso...trong mua bán, trao đổi hàng hóa với hơn 200 người tham gia. Việc triển khai thực hiện kinh tế số cũng đã mang lại lợi ích thiết thực đẩy mạnh thương mại điện tử, thanh toán điện tử tập trung hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông sản lên sàn thương mại điện tử đã có những kết quả khả quan. Đến nay trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã có 10.259 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia các sàn thương mại điện tử với 180.494 sản phẩm và thực hiện 10.946.927 giao dịch. Tổng doanh thu đạt 1.121.045.754 nghìn đồng. Trong đó: 950 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia sàn Sendo với 18.327 sản phẩm và 166.293 giao dịch; 8.918 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia sàn Shopee với 161.104 sản phẩm và 10.752.847 giao dịch; 249 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia sàn Voso với 515 sản phẩm và 4870 giao dịch; 4.213 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia sàn Postmart với 548 sản phẩm và 27.827 giao dịch. Năm 2022 tỉnh Hưng Yên có 16 xã đề nghị xét, công nhận đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu trong đó tiêu chí bắt buộc là xã phải có mô hình thôn thông minh. Các xã đã xây dựng mô hình thôn thông minh với một số nội dung như: Lắp đặt mạng wifi miễn phí phục vụ nhu cầu của người dân ở các điểm công cộng tại nhà văn hoá thôn, nơi sinh hoạt cộng đồng, điểm du lịch cộng đồng…Thôn có hệ thống loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông; Hệ thống Camera giám sát an ninh trật tự trên địa bàn xã do công an xã quản lý để giám sát, theo dõi và phát hiện tại các điểm trọng yếu quan trọng trên địa bàn xã, như các lối ra vào địa bàn xã, ngã tư nút giao thông giữa trục đường thôn trong khu dân cư, đảm bảo khả năng tích hợp, truy cập xuyên suốt từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để phục vụ theo dõi giám sát theo yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi, vi phạm pháp luật khác, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn xã; Ngoài kênh tuyên truyền truyền thống là loa truyền thanh, cán bộ xã, thôn còn thông tin tuyên truyền đến người dân qua mạng xã hội Zalo và Facebook...để tuyên truyền, thông báo các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương đến từng người dân. Hiện nay chuyển đổi số hình thành chính quyền số, xã hội số và kinh tế số chính là cơ hội to lớn cần được các địa phương trên địa bàn tỉnh nhanh chóng nắm bắt thực hiện, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng NTM nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng NTM nhằm từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng hoàn thành xã NTM kiểu mẫu, huyện NTM nâng cao, hướng đến xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.