11/09/2024 | lượt xem: 175 Dồn lực ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc Bộ, từ sáng ngày 9 đến ngày 11/9, nhất là trong ngày 11/9, khu vực tỉnh Hưng Yên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa đo được trung bình trong 3 ngày qua trên địa bàn tỉnh là 214mm. Trong khi đó, nước từ thượng nguồn tiếp tục đổ về nên nước trên các tuyến sông Hồng, sông Luộc lên cao. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh, đến 15 giờ ngày 11/9, nước trên sông Hồng tại Trạm thủy văn Hưng Yên là 7,35m (vượt 35cm so với báo động 3); nước sông Luộc tại Trạm thủy văn La Tiến là 5,1m (kém 30cm là tới báo động 3). Hiện nay, mực nước ở sông Hồng, sông Luộc chưa có xu hướng giảm, thậm chí tiếp tục tăng. Điều đó đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của Nhân dân trong tỉnh. Lực lượng chức năng và người dân huyện Khoái Châu tham gia hỗ trợ gia cố đê Trước tình hình trên, Thường trực Tỉnh ủy đã họp khẩn để chỉ đạo công tác phòng, chống ngập lụt và bảo vệ đê trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc phòng, chống ngập lụt; hỗ trợ di dời người dân và tài sản từ vùng ngập lụt, có nguy cơ ngập lụt đến nơi an toàn. Đắp đập chống tràn tại xã Mai Động (Kim Động) Tại thành phố Hưng Yên, vào lúc 12 giờ ngày 11/9, mực nước sông Hồng đã vượt mức báo động III. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố, 100% các xã, phường vùng bãi sông Hồng, sông Luộc của thành phố bị ảnh hưởng ngập lụt do nước sông dâng cao, đặc biệt là tại các xã, phường: Phú Cường, Hùng Cường, Lam Sơn, Bảo Khê, Hồng Châu. Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, từ ngày 9 đến ngày 11/9, thành phố Hưng Yên tăng cường thông báo đến các hộ dân ven sông về tình hình mực nước dâng cao, từ đó chủ động có kế hoạch di chuyển người và tài sản; chỉ đạo vận hành 100% hệ thống máy bơm tiêu thoát nước và đóng toàn bộ các cửa cống để ngăn nước sông Hồng tràn vào khu vực trong đê. Yêu cầu các địa phương trong vùng nguy cơ bị ngập tràn, sạt lở khẩn trương di dời người dân đến nơi an toàn. Đến 12 giờ ngày 11/9, đã có gần 200 người dân ở vùng ngoài bãi sông Hồng, chủ yếu thuộc phường Lam Sơn, phường Hiến Nam, xã Bảo Khê, xã Hùng Cường di dời đến khu vực an toàn. Đây là các hộ dân sinh sống ở khu vực ngoài đê, nơi có nguy cơ cao bị ngập lụt sâu, nguy hiểm. Cùng với di dời người dân đến nơi an toàn, các tài sản có giá trị, đồ dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm cũng được địa phương hỗ trợ người dân vận chuyển đến nơi an toàn. Tuyên truyền các hộ dân ở khu vực cụm 7 – thôn Đa Hòa, xã Bình Minh (Khoái Châu) di dời đến nơi an toàn Tại huyện Khoái Châu, khoảng 8 giờ ngày 11/9, mực nước sông Hồng vượt mức báo động III. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện, toàn huyện có hơn 21 km đê với 12 xã có diện tích đất ở và đất canh tác ngoài đê. Với việc mực nước sông Hồng dâng cao trong những ngày qua, toàn huyện có hơn 8,7 nghìn hộ dân với trên 28 nghìn nhân khẩu bị ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất. Để bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân, từ ngày 9 đến ngày 11/9, huyện Khoái Châu đã yêu cầu ngành chức năng và các địa phương khẩn trương thông báo đến các hộ dân ven sông về tình hình mực nước dâng cao, từ đó chủ động có kế hoạch di chuyển người và tài sản; chỉ đạo vận hành 100% hệ thống máy bơm tiêu thoát nước và đóng toàn bộ các cửa cống để ngăn nước sông Hồng tràn vào khu vực trong đê. Tại các điểm xung yếu gồm: Đoạn đê, kè Hàm Tử, cống qua đê trạm bơm Trung Châu, cống Liên Khê, đoạn đê, kè Nghi Xuyên, cống qua đê của trạm bơm Nghi Xuyên, các lực lượng chức năng của huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương gia cố kè mái đê nhằm hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra. Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện yêu cầu các địa phương trong vùng nguy cơ bị ngập tràn, sạt lở khẩn trương di dời người dân đến nơi an toàn. Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân xã Bình Minh (Khoái Châu) di chuyển tài sản đến nơi an toàn Đồng chí Vũ Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết: Sau khi một phần bờ vùng tiếp giáp với xã Dạ Trạch bị vỡ khiến nước tràn vào khu vực cụm 7 – thôn Đa Hòa, xã đã khẩn trương vận động các hộ dân trong xã di dời đến vùng an toàn. Đến 12 giờ ngày 11/9, đã có khoảng 100 hộ dân di dời đến khu vực an toàn; số hộ dân còn lại đang tiến hành thu dọn tài sản và sẵn sàng di chuyển vào trong đê khi có lệnh di dời để tránh lũ. Tại xã Đông Ninh, trước tình hình mực nước sông Hồng dâng cao, xã đã huy động toàn bộ nhân lực, vật tư theo phương án hộ đê, phòng, chống thiên tai của địa phương để kịp thời ứng phó với mọi sự cố xảy ra; nghiêm túc thực hiện tuần tra, canh gác đê; đắp đất, cát chống nước tràn từ sông Hồng vào khu dân cư. Bên cạnh đó, xã tuyên truyền, vận động các hộ dân trên địa bàn sẵn sàng di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn khi có lệnh di chuyển. Đến khoảng 12 giờ ngày 11/9, nhiều hộ gia đình trong xã đã bắt đầu di chuyển đến nơi an toàn. Trục vớt vật cản, khơi thông dòng chảy ở xã Thắng Lợi (Văn Giang) Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Văn Giang, đến 15 giờ ngày 11/9, mực nước trên sông Hồng khu vực cống Xuân Quan vượt mức báo động III. Do nước sông Hồng dâng cao, toàn huyện có 993 héc-ta hoa, cây cảnh, cây ăn quả, rau màu bị ngập úng. Trước thực trạng trên, huyện đã yêu cầu các địa phương tuyên truyền, hỗ trợ Nhân dân di chuyển tài sản; xây dựng phương án sơ tán hơn 12 nghìn người dân thuộc các xã: Xuân Quan, Thắng Lợi đến nơi an toàn. Nhiều vùng trồng cây cảnh của huyện Văn Giang ngập úng do nước sông Hồng dâng cao Chiều ngày 11/9, huyện Văn Giang đã họp bàn với xã Xuân Quan, tăng cường tuyên truyền, vận động trên 6 nghìn hộ dân khu vực ngoài bãi của xã sơ tán lên khu vực được bố trí tại Khu đô thị Ecopark. Ngoài ra, huyện yêu cầu các ngành, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được phân công thực hiện việc canh gác đê theo cấp báo động; tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình nước lũ trên sông Hồng, cảnh báo kịp thời cho người dân, nhất là các hộ dân vùng bãi để sẵn sàng sơ tán trong mọi thời điểm… Hiện nay, mực nước sông Hồng, sông Luộc tiếp tục dâng cao. Để chủ động ứng phó với mọi tình huống bất thường có thể xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Tiên Lữ đã tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình để triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp theo phương án phòng, chống mưa bão đề ra; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện… để sẵn sàng khắc phục, xử lý các tình huống khẩn cấp xảy ra; tăng cường tuyên truyền, tập trung hỗ trợ di dời người dân ra khỏi vùng bị ngập lụt, có nguy cơ cao bị ngập lụt đến nơi tránh, trú an toàn; bảo đảm đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm để cung cấp cho người dân bị ảnh hưởng… Đóng bao cát để đắp đập ngăn nước sông tràn vào làng tại xã Lý Thường Kiệt (Yên Mỹ) Do ảnh hưởng của mưa lũ, mực nước trên hệ thống sông Bắc Hưng Hải tại huyện Yên Mỹ đang rất cao. Mực nước ghi nhận lúc 15 giờ ngày 11/9 tại Kênh Cầu, xã Đồng Than ở mức trên 3,8m, tại sông Lực Điền, xã Minh Châu ở mức 3,76m. Ở nhiều điểm, nước sông trên hệ thống sông Bắc Hưng Hải đang tràn hoặc nguy cơ tràn qua đê chảy ngược vào khu vực canh tác và khu dân cư. Huyện Yên Mỹ và các xã, thị trấn trong huyện đã huy động các lực lượng sử dụng bạt, bao cát đắp bờ ngăn nước sông, đồng thời hỗ trợ các gia đình ở khu vực xung yếu, vùng trũng thấp, nhà ở không an toàn di dời người và tài sản có giá trị đến khu vực an toàn. Hỗ trợ đưa người dân ở thôn Đức Hoà, xã Đức Hợp (Kim Động) đến nơi lưu trú an toàn Trước tình hình hiện nay, trong những ngày tới, các cấp, ngành của tỉnh tiếp tục tập trung toàn bộ lực lượng để ứng phó với diễn biến của thời tiết và nước sông Hồng, sông Luộc dâng cao; nhanh chóng khắc phục các sự cố đê, kè, bối; duy trì lực lượng ứng trực 24/24h hỗ trợ kịp thời đối với người dân và xử lý các sự cố xảy ra. Các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ trên các kênh thông tin chính thống để có biện pháp phòng ngừa, ứng phó chủ động, bảo đảm an toàn tính mạng cho bản thân và gia đình, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn dự lễ công bố kết quả đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Sạch; ký kết bản ghi nhớ về phát triển Khu công nghiệp Sạch II
Đoàn công tác Thành ủy Đà Nẵng thăm, tặng quà hỗ trợ tỉnh Hưng Yên bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3