Hưng Yên: Chuyển đổi số phát triển trên 3 trụ cột

Tỉnh Hưng Yên xác định 3 trụ cột trong chương trình chuyển đổi số là phát triển chính quyền số gắn với đô thị thông minh, phát triển kinh tế số gắn với doanh nghiệp số và phát triển xã hội số.

Ông Bùi Văn Sỹ, Giám đốc Sở TTTT Hưng Yên cho biết: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIX về Chương trình CĐS tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 khẳng định, CĐS là nền tảng, động lực quan trọng xây dựng xã hội thông minh và nền kinh tế hiện đại, thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của tỉnh. Hệ thống quản lý nhà nước và xã hội được vận hành dựa trên nền tảng số. Đến năm 2030, tỉnh Hưng Yên thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dẫn đầu về CĐS.

Chuyển đổi số góp phần phát triển kinh tế

Theo kết quả đánh giá chỉ số CĐS (DTI) năm 2021 tỉnh Hưng Yên tăng 14 bậc so với năm 2020, xếp vị trí thứ 35; Ngày 27/5/2022, UBND tỉnh ban hành QĐ số 1155/QĐ-UBND, lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày CĐS tỉnh Hưng Yên.

Toàn tỉnh hiện nay có trên 3.000 doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan đến CĐS. Đây là những hạt nhân tạo nên sự chuyển biến rõ nét về CĐS trong hoạt động SXKD. Từ đó hình thành và phát triển nền kinh tế số. Tỉnh đã xây dựng sàn thương mại điện tử (http://ecomhungyen.vn). Hiện nay, toàn tỉnh có trên 10 nghìn doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử với trên 180 nghìn sản phẩm và gần 11 triệu giao dịch/năm.

Doanh thu năm 2022 từ hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử đạt trên 1,1 nghìn tỷ đồng. Toàn tỉnh đã có khoảng 86% dân số có tài khoản thanh toán ngân hàng; gần 60% doanh nghiệp xây dựng website giới thiệu về doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp; 100% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử… Đây là minh chứng thể hiện kinh tế số đang ngày càng phát triển.

Chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực, hạ tầng CĐS được hoàn thiện và bảo đảm thông suốt 100% trên địa bàn tỉnh; 100% các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành có tích hợp chữ ký số… cung cấp 1.440/1.823 TTHC dưới hình thức dịch vụ công toàn trình và một phần.

Hưng Yên phát huy vai trò trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ. Năm 2022, thành lập Tổ công nghệ số công đồng cấp thôn, xóm, khu phố, đội ngũ này là cánh tay nối dài của Ban chỉ đạo CĐS cấp tỉnh, cấp huyện, là đội ngũ tiên phong đưa các nền tảng công nghệ số tới người dân.

Đạt 3 trụ cột về chuyển đổi số

Ngày 25/02/2022, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành QĐ số 571/QĐ-UBND về Phê duyệt Đề án CĐS tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025; tầm nhìn đến năm 2030, và các kế hoạch thực hiện, phát triển Chính quyền điện tử, CĐS và đảm bảo an toàn thông tin mạng hàng năm; các kế hoạch chuyên đề thực hiện CĐS theo các ngành, lĩnh vực. Xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hiện CĐS cấp huyện, cấp xã. Ông Bùi Văn Sỹ cho biết.

Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đối với chỉ tiêu Phát triển Chính quyền số, phải đạt 100% DVC trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% hoạt động quản lý nhà nước các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số; 100% chế độ báo cáo về KT-XH phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; 100% cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh và với các cơ sở dữ liệu quốc gia; 50% hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Phấn đấu kinh tế số chiếm 20% GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn); Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; có 500 doanh nghiệp số.

Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số: Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang bao phủ 100% xã, phường, thị trấn và trên 80% hộ gia đình; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G; 90% người dân sử dụng điện thoại thông minh; Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%.

Để thực hiện mục tiêu trên, nhiệm vụ thời gian tới, Hưng Yên sẽ thực hiện tốt những giải pháp sau: lấy người dân, DN là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của CĐS - người dân và DN cũng phải tham gia quá trình CĐS; Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nhận thức về tầm quan trọng của CĐS ở tất cả các cấp, ngành; Quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông, CNTT; Xây dựng cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, CNTT; khuyến khích các DN đổi mới sáng tạo CĐS…

Tỉnh Hưng Yên xác định chuyển đổi số, tạo cơ hội bứt phá để “đi tắt, đón đầu” trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phấn đấu đến năm 2030, Hưng Yên thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dẫn đầu về CĐS.

 


Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
57 người đang online