Phải nghĩ lớn để Việt Nam trở thành cường quốc

Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị BCH Hiệp hội phần mềm Việt Nam (VINASA) mở rộng đầu Xuân 2019. Tại cuộc gặp mặt này, người đứng đầu ngành TT&TT Việt Nam đã có những chia sẻ thẳng thắn, thú vị với góc nhìn mới. Theo đó, Bộ trưởng cho rằng muốn giải được bài toán Việt Nam, muốn đưa Việt Nam trở thành cường quốc thì chúng ta phải dám nghĩ lớn và có ước mơ lớn.

Từ ý chí, quyết tâm của người đứng đầu…
 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, muốn trở thành cường quốc, chủ yếu cần đến sức mạnh tinh thần. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần phát biểu nói đến một “Việt Nam hùng cường”, viết tiếp “khúc khải hoàn Việt Nam”. Báo chí gần đây có tuyên ngôn “Báo chí phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội, tạo sự đồng thuận, tạo niềm tin xã hội và tạo nên khát vọng về Việt Nam hùng cường”. Câu chuyện tinh thần Việt Nam, khát vọng Việt Nam đã được các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Chính phủ và toàn hệ thống nói đến. Đó chính là sức mạnh.
 
Và khái niệm “Điểm kỳ dị
 
“Điểm kỳ dị” xảy ra khi nào? Nó chỉ xảy ra khi có cuộc cách mạng công nghiệp. Các quốc gia tận dụng được "điểm kỳ dị" sẽ nâng cao được thứ hạng, lọt vào “top” các nước phát triển. Nếu không tận dụng cơ hội, khi cuộc cách mạng công nghiệp đi qua, mọi người vẫn đứng nguyên tại vị trí của mình, không bứt lên được. Trong mỗi cuộc cách mạng công nghiệp chỉ cho phép 5 đến 6 quốc gia vượt lên thành nước phát triển, “hóa rồng”. Đặc biệt đây là cơ hội cho những nước đang phát triển.
 
20190308-m01.jpg
 
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
 
Khi cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra, cái mới sẽ thay thế cái cũ, doanh nghiệp, quốc gia có nhiều cái cũ, có nhiều thành công thì đây lại trở thành gánh nặng của họ khi cách mạng xảy ra vì khó thay đổi. Ở cuộc CMCN 2.0, 3.0 đã đầu tư cả ngàn tỷ USD đâu dễ vứt đi. Còn những nước kém phát triển công nghệ, gánh nặng của các cuộc cách mạng công nghiệp trước là nhỏ, nên dễ bước tiếp. Đây chính là cơ hội cho Việt Nam và thế giới được thiết kế để tạo ra bình đẳng cho loài người chính là ở đây.
 
Cách tiếp cận khả thi đối với “điểm kỳ dị” là hãy dám chấp nhập cái mới, chấp nhận thử nghiệm trong một thời gian, không gian nhất định. Đây là chính sách tốt nhất xét trên bình diện quốc gia và được gọi là sandbox.
 
Ý tưởng này sẽ được đưa vào Quyết định của Thủ tướng về việc xử lý các "điểm kỳ dị" và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhất trí với ý tưởng này tại một cuộc họp mới đây liên quan đến Đề án chia sẻ nền kinh tế quốc gia.
 
Ở góc độ doanh nghiệp thì tiếp cận "điểm kỳ dị" còn dễ hơn nhiều, không có bất cứ hạn chế nào vì nguồn lực và nhân lực trong tay mình.
 
Từ câu chuyện của một thành phố nghèo tại Thụy Sỹ…
 
Bộ trưởng nhớ lại một câu chuyện được nghe tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sỹ) vừa qua. Có một thành phố của Thụy Sỹ rất nghèo và đã từ nhiều năm chính quyền băn khoăn tìm cách thoát nghèo. Khi cuộc CMCN 4.0 và blockchain xuất hiện, chính quyền đã nhất trí đi đến quyết định tạo mọi điều kiện cho blockchain được ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực. Do đó, tất cả các doanh nghiệp chưa có đất để ứng dụng blockchain đã đồng loạt kéo đến thành phố này thử nghiệm. Sau 3 năm thành phố trở thành thành phố công nghệ blockchain số 1 thế giới.
 
Đến cơ hội cho doanh nghiệp Việt giải bài toán đất nước
 
Người đứng đầu ngành TT&TT Việt Nam phân tích, nước ta là một nước còn nghèo, thu nhập trung bình thấp, có nhiều vấn đề cần giải quyết. Nơi nào có vấn đề thì cần phải có công nghệ để giải quyết và đó là cơ hội cho doanh nghiệp công nghệ.
 
Từ câu chuyện ở Thụy Sỹ cho thấy nơi phát triển công nghệ dễ nhất, được tạo điều kiện nhất không phải Hà Nội hay TP.HCM mà là một tỉnh còn nghèo như Hà Giang chẳng hạn. Doanh nghiệp đến đây chắc chắn được chào đón, được tạo điều kiện.
 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ : “Ai muốn trưởng thành đều phải xuất phát từ cái nôi”. Cái nôi đó không gì tốt hơn là nhà mình, là nước mình. Do đó, sản phẩm công nghệ Việt cần phải giải được bài toán của Việt Nam, lấy đó làm cái nôi để đi ra thế giới. Đầu tiên, từ cái nôi Việt Nam chúng ta đi tiếp sang Singapore, sang Nhật vì dễ dàng hơn sang Mỹ. Cần tìm cái dễ để làm trước. Nhưng 20-30 năm mà vẫn tiếp tục làm cái dễ thì không còn đúng. Tương tự, FPT đã trưởng thành rồi mà vẫn tiếp tục gia công phần mềm là không đúng. FPT hãy mang toàn bộ tri thức 20 năm vừa qua tích lũy được quay về Việt Nam, giải bài toán Việt Nam. Ra đi là để quay về. Đó là cách chúng ta giải bài toán trưởng thành, bài toán thương hiệu.” 
 
“What to do” và “How to do” để trở thành cường quốc
 
Đối với một doanh nghiệp phần mềm, để giải quyết câu chuyện “what to do” mà chỉ nghĩ đến coding, gia công phần mềm để xuất khẩu thì dễ bằng lòng với những gì mình đã đạt được. Nhưng giờ là lúc phải nghĩ đến sản xuất ra các sản phẩm của Việt Nam, dùng để giải quyết vấn đề của Việt Nam, coi Việt Nam là cái nôi để từ đó đưa sản phẩm Việt Nam ra quốc tế. Chúng ta phải tập trung phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Doanh nghiệp công nghệ nghĩa là dùng công nghệ để giải các bài toán, công nghệ ở đây là công nghệ số, trong đó có CMCN4.0. Việt Nam ở đây nghĩa là sản phẩm Việt Nam, giải bài toán Việt Nam để đưa ra quốc tế. Một ví dụ cụ thể, khi chuyển hướng từ gia công phần mềm lên phát triển sản phẩm Việt Nam thì doanh thu trên mỗi một lập trình viên sẽ tăng vọt từ 25.000 USD lên 57.000 USD.
 
Muốn vậy chúng ta cần có những suy nghĩ khác và cách làm khác mang tính cách mạng về công nghệ để làm sao hội tụ tinh hoa thế giới về đây, đưa Việt Nam trở thành hub kết nối, làm sao để công nghệ số hội tụ về với Việt Nam. Nếu Việt Nam tạo ra việc có giá trị cao, tạo cảm hứng và trả lương cao thì Việt Nam sẽ trở thành trung tâm của thế giới.
 
Người đứng đầu Ngành TT&TT cũng chia sẻ, ai cũng cho rằng doanh nghiệp phần mềm là những doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo nhưng trên thực tế lại không bằng doanh nghiệp bất động sản. Doanh nghiệp bất động sản đó (Vingroup - PV) khi chuyển sang làm công nghệ có cách tiếp cận khác hẳn, rất cách mạng về công nghệ. Mấy chục năm làm phần mềm mà vẫn đi xin cơ chế giảm thuế, không đánh thuế. Do đó vẫn tiếp tục làm gia công phần mềm, làm những việc có giá trị thấp vì xin được thuế thấp. Đã đến lúc không làm như vậy nữa, hãy sẵn sàng đóng thuế như các doanh nghiệp khác. FPT lớn thế mà vẫn xin đóng thuế thấp thì không nên. Hãy nghĩ đến những việc có giá trị cao thì sẽ có năng suất lao động cao.
 
Trao đổi ý kiến với các doanh nghiệp về việc Việt Nam không có đủ nhân lực để đạt được con số 1 triệu lập trình viên tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ trưởng chỉ rõ, thay vì ngồi đợi họ được đào tạo ở bậc đại học 3-5 năm thì các doanh nghiệp hãy chủ động đào tạo. Hãy đào tạo những người vừa tốt nghiệp phổ thông trong vòng 3-6 tháng hoặc 1 năm để làm phần mềm, làm AI. Tại Trung Quốc, AI đang được thực hiện bởi những người ở nông thôn nước này, được làm tại những nhà kho hay ở những khu bất động sản không có ai thuê. Doanh nghiệp hãy chủ động đào tạo nguồn lực của mình, không chờ đợi. Trong cuộc CMCN 4.0, từ khóa quan trọng nhất là đào tạo lại (reskill), chứ không phải là đào tạo mới (training).
 
Nhân dịp năm mới 2019, năm của bứt phá như phương châm hành động của Chính phủ cũng như của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trước đây, chúng ta thường nghĩ công nghiệp phần mềm là một bộ phận của ngành ICT và ngành ICT là một bộ phận của nền kinh tế. Hãy nghĩ khác. Công nghiệp phần mềm phải là hạt nhân của nền kinh tế số, thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế số. Phần mềm giờ không phải là phần mềm quản trị nhân sự mà chính là con chip, là bộ não của bất cứ thiết bị công nghệ nào.
 
Do đó, với nguồn lực sẵn có, các doanh nghiệp luôn nghĩ mình có thể thay đổi đất nước, có sứ mạng thay đổi đất nước và đưa Việt Nam trở thành cường quốc. Hãy nghĩ đến những sứ mạng lớn lao với đất nước, giảm bớt kêu ca để mơ những giấc mơ lớn./.

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
112 người đang online