Phát triển nguồn nhân lực CNTT cần đặt chất lượng lên hàng đầu

Sáng ngày 29/11/2023, tại Hà Nội, Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền thông (CNTT-TT), Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Câu lạc bộ các Khoa -Trường -Viện Công nghệ Thông tin-Truyền thông Việt Nam (FISU Việt Nam), Hội Tin học Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực công nghệ số đáp ứng nhu cầu thị trường”.

 

anh-cnict.jpg

Hội thảo thu hút gần 80 chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực CNTT-TT, đại diện của các cơ sở đào tạo đại học ngành CNTT-TT trong phạm vi cả nước và đại diện doanh nghiệp CNTT-TT, công nghệ số. Hội thảo diễn ra trong bối cảnh CNTT-TT đã và đang là một trong những lĩnh vực có sự phát triển vượt bậc trong hơn 20 năm qua, vươn lên trở thành nhân tố quan trọng bậc nhất trong xây dựng nền kinh tế số và xã hội số ở nước ta nói riêng cũng như trên phạm vi toàn thế giới nói chung. Lấy mốc năm 2000 để so sánh, lúc đó Việt Nam chỉ có khoảng 50.000 người làm việc trong lĩnh vực này và đóng góp cho GDP Việt Nam khoảng 0.5%, 20 năm sau, nguồn nhân lực CNTT-TT đã lên tới hơn 1 triệu người và đóng góp với 14.3% GDP Việt nam. Đây chính là kết quả của các chiến lược phát triển lĩnh vực CNTT-TT của Nhà nước trong thời gian qua. Hiện nay, công việc đào tạo nhân lực CNTT-TT tiếp tục nhận được quan tâm đặc biệt. Theo dự báo của Chính phủ đến 2030, chúng ta cần tới 2,5 triệu người. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh đào tạo nhân lực CNTT-TT là rất cấp bách và cho tất cả các bậc đào tạo và bao gồm cả đào tạo mới và đào tạo nâng cao.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS. TS. Nguyễn Thanh Thủy, nhấn mạnh: “Cần phải đào tạo đội ngũ kỹ sư, cử nhân, chuyên viên được trang bị đầy đủ và cập nhật thường xuyên những tri thức, kiến thức, kỹ năng hiện đại; cùng với đạo đức nghề nghiệp, tác phong chuyên nghiệp, các kỹ năng mềm; giỏi ngoại ngữ, làm chủ được công nghệ, tạo ra sản phẩm Việt Nam, công nghệ Việt Nam đáp ứng nhu cầu ứng dụng CNTT-TT, Công nghệ số ngày càng phong phú.”

TS Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT-TT đã tóm lược bức tranh phát triển nguồn nhân lực CNTT-TT hiện nay với các xu thể mới và cho rằng Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt lớn trong lộ trình phát triển nguồn nhân lực CNTT đáp ứng nhu cầu thị trường. Đại diện Cục Công nghiệp CNTT-TT nhấn mạnh việc phải đặt chất lượng đào tạo lên đầu đối với các cơ sở đào tạo. Các cơ sở đại học phải chuyển mình mạnh mẽ để đáp ứng thách thức mới: yêu cầu của doanh nghiệp, Gen Z và sự thay đổi nhanh chóng của các công nghệ mới nổi.

Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS. Bùi Thu Lâm, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký FISU Việt Nam, cho biết cộng đồng FISU Việt nam đã và đang tham gia tích cực vào quá trình chuẩn bị nguồn nhân lực CNTT-TT của đất nước trong các năm qua. Tuy các hoạt động đào tạo CNTT-TT đã được triển khai từ nhiều năm trước, cộng đồng FISU Việt Nam chính thức được thành lập từ 2018. Sau 5 năm định hình và phát triển các hoạt động với vai trò là diễn đàn học thuật cho các khoa-trường-viện CNTT-TT trong phạm vi cả nước, đến nay FISU Việt Nam đã lớn mạnh về cả số lượng và chất lượng, hiện tại với hơn 100 đơn vị hội viên tập thể là các khoa, viện, trường triển khai đào tạo và nghiên cứu về CNTT-TT; đã hình thành 03 FISU khu vực: FISU Trung du Miền núi và Duyên hải phía Bắc, FISU Miền Trung Tây Nguyên và FISU Đồng bằng Sông Cửu Long. Ông cũng cho rằng, bối cảnh CNTT-TT của Việt nam nói riêng và thế giới nói chung có nhiều biến động rất nhanh chóng với nhiều thời cơ cũng như thách thức lớn, đòi hỏi sự đổi mới kịp thời của các nhà trường, nhất là việc kết nối hiệu quả giữa đào tạo với thực tiễn doanh nghiệp.

Các diễn giả đến từ các trường đại học lớn: Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông; Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Đại học Thái Nguyên; Đại học CMC và Viện Công nghệ và Đào tạo MISA chia sẻ nhiều giải pháp đào tạo cho sinh viên ngành CNTT-TT mới ra trường, phát triển chương trình đào tạo theo chuẩn kiểm định, đào tạo, đào tạo lại các công nghệ mới nổi như vi mạch bán dẫn, AR/VR/Metaverse, AI/Data Science…

Trước những cơ hội và thách thức đối với đào tạo đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn-vi mạch, TS. Nguyễn Minh Sơn, Phó Trưởng Khoa Khoa học-Kỹ thuật máy tính, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đã có những kiến nghị với Chính phủ cần có chiến lược dài hạn tầm 20 năm cho ngành Công nghiệp vi mạch-bán dẫn, ít nhất cũng 10 năm cho chiến lược đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch, phục vụ cho ngành Công nghiệp vi mạch.

Hội thảo có sự tham gia trình bày của PGS.TS Nhà giáo nhân dân Hồ Sỹ Đàm về giải pháp tạo nguồn tuyển sinh cho đào tạo nhân lực CNTT-TT. Theo PGS.TS Hồ Sỹ Đàm, Việt Nam cần chú trọng tạo nguồn tuyển sinh, nhất là việc liên thông đào tạo từ bậc phổ thông lên đại học về Tin học, chú trọng nguồn tuyển dụng Giảng viên, cần tập trung đến nguồn nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số và CMCN4. Đây cũng là quan điểm của PGS.TS. Nguyễn Hoàng Tú Anh, Hiệu trưởng Trường Đại Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ góc độ nghiên cứu thị trường, với sự xuất hiện của các công nghệ mới như chatGPT, các doanh nghiệp đang có xu hướng tái cơ cấu theo hướng tinh gọn. Chính vì vậy, theo đại diện Lãnh đạo Navigos Việt Nam, Bà Nguyễn Thị Thu Giang cung cấp thông tin: Việt Nam ghi nhận xu hướng đảo chiều sau giai đoạn bùng nổ tuyển dụng IT. Cụ thể, tỷ lệ tuyển dụng ngành CNTT năm 2023 có xu hướng giảm sau sự bùng nổ của năm 2022, một số doanh nghiệp IT đã phải cắt giảm nhân sự và giảm lương, thưởng; Bà cũng chia sẻ sự cần thiết của các kỹ năng mềm trong khu vực nhân lực CNTT-TT trong giai đoạn hiện nay. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Quan hệ Khách hàng, Udemy Business tại Việt Nam chia sẻ về xu hướng nâng cấp kỹ năng CNTT cho nhân lực và vấn đề đào tạo, đào tạo lại cho đội ngũ nhân sự của doanh nghiệp trong bối cảnh yêu cầu, đòi hỏi của công việc trong kỷ nguyên số.

 Đây là lần đầu tiên Cục Công nghiệp CNTT phối hợp với FISU Việt Nam tổ chức hội thảo về phát triển nhân lực CNTT, công nghệ số đáp ứng nhu cầu thị trường. Những chia sẻ tâm huyết, bài trình bày có chất lượng của các diễn giả sẽ được tiếp thu, tổng hợp để nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan quản lý Nhà nước, các đối tác trong lĩnh vực để sự kết nối giữa các cơ sở giáo dục đại học và ngành công nghiệp công nghệ số ngày càng bền chặt.


Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
122 người đang online