Chính phủ số khai thác tối đa sức mạnh của dữ liệu, công nghệ số

Đăng ngày 22 - 06 - 2021
100%

Ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển chính phủ điện tử (CPĐT) hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.

 

 

ong-nguyen-phu-tien-16242852231802083942573.jpg

Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT

Nhân dịp này, PV Tạp chí TT&TT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT, đơn vị chủ trì xây dựng Chiến lược về ý nghĩa của việc phê duyệt Chiến lược cũng như các nội dung liên quan trong việc xây dựng Chính phủ số tại Việt Nam.

PV: Xin ông cho biết ý nghĩa của việc phê duyệt Chiến lược phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030?
Ông Nguyễn Phú Tiến: Việc phê duyệt Chiến lược phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh hiện nay.
Thứ nhất, đây lần đầu tiên Việt Nam ban hành một bản chiến lược để phát triển CPĐT và hướng tới một xu thế mới trong CĐS, đó là phát triển Chính phủ số.
Thứ hai, nội dung Chiến lược thể hiện các quan điểm đột phá trong tư duy, cách làm để phát triển Chính phủ số. Trong 06 quan điểm nêu trong Chiến lược, thì quan điểm đầu tiên cũng là quan điểm quan trọng nhất thể hiện tư tưởng xuyên suốt của toàn bộ nội dung Chiến lược đó là: "Phát triển Chính phủ số có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt CĐS quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội".
Thứ ba, nội dung Chiến lược đã thể hiện đầy đủ tầm nhìn, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nội dung Chiến lược là căn cứ để các bộ, ngành, địa phương xác định và triển khai các nhiệm vụ phát triển Chính phủ số trong giai đoạn mới, trên cơ sở kế thừa các kết quả triển khai CPĐT giai đoạn vừa qua; Chính phủ số sẽ đóng vai trò dẫn dắt phát triển kinh tế số, xã hội số trong công cuộc CĐS của Việt Nam.

PV: Ông có thể cho biết các kết quả triển khai CPĐT có ý nghĩa như thế nào trong hướng tới chính phủ số?

Ông Nguyễn Phú Tiến: Trước hết, cần phải nói rằng Chính phủ số là mức độ phát triển cao của CPĐT, trong đó khai thác tối đa sức mạnh của dữ liệu và công nghệ số. Không có sự tách biệt rõ ràng giữa CPĐT và Chính phủ số; Chính phủ số bao hàm CPĐT.

Với cách tiếp cận trên, các kết quả triển khai CPĐT thời gian qua chính là tiền đề phát triển Chính phủ số giai đoạn mới. Trong đó, một số kết quả nổi bật tạo nền tảng phát triển Chính phủ số, đó là:

- Hạ tầng truyền dẫn phục vụ hoạt động nội bộ của các cơ quan nhà nước (CQNN) và cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến đã được hình thành cơ bản. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước đã kết nối đến tất cả các bộ, ngành, địa phương; mạng Internet băng rộng được phát triển, kết nối tới người dân, doanh nghiệp (DN), tỷ lệ người dùng Internet đạt trên 70%.

- Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia đã được triển khai, đó là: tất cả các bộ, ngành, địa phương đã có nền tảng, tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh (LGSP) và kết nối với nhau qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP).

- Các cơ sở dữ liệu (CSDL) quy mô quốc gia quan trọng dần được phát triển và đưa vào sử dụng, đó là các CSDL về đăng ký DN, bảo hiểm, hộ tịch và gần đây nhất, CSDL quốc gia về dân cư đã được khai trương vào ngày 25/2/2021.

- Các hệ thống thông tin chuyên ngành quan trọng của của CQNN đã được xây dựng và phát huy hiệu quả; tiêu biểu như các hệ thống thông tin chuyên ngành quản lý thuế, hải quan, kho bạc, ngân sách nhà nước.

-  Tỷ lệ cung cấp DVC trực tuyến mức độ 4 ngày càng cao. Hiện nay đã đạt trên 35%, nhiều cơ quan đã cung cấp 100% DVC đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 dựa trên công nghệ nền tảng.

Với các kết quả quan trọng trên, cùng với định hướng phát triển Chính phủ số, toàn bộ hoạt động của CQNN sẽ từng bước được chuyển dịch lên môi trường số, thực chất đó là thực hiện CĐS trong hoạt động của CQNN.

PV: Chiến lược cũng đặt mục tiêu giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế xã hội. Cụ thể như mỗi người dân sẽ có danh tính số kèm theo QR code, tiến tới đều có điện thoại thông minh. Mỗi hộ gia đình có địa chỉ số, có khả năng truy cập Internet cáp quang băng rộng. Mỗi người dân đều được sống trong môi trường bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội và có quyền riêng tư cá nhân trong môi trường số được bảo vệ theo quy định. Mỗi người dân đều có hồ sơ số về sức khỏe cá nhân... Để hiện thực hoá các nội dung trên, Cục Tin học có thể chia sẻ một số công việc, Việt Nam cần chuẩn bị như hạ tầng, CSDL, nhân lực,...?
Ông Nguyễn Phú Tiến: Một trong những điểm khác biệt trong Chiến lược phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025 đó là Chính phủ số không chỉ tập trung CĐS trong hoạt động nội bộ của CQNN, mà còn dẫn dắt CĐS nói chung, giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội.
Để thực hiện nội dung trên, ở quy mô quốc gia; trước hết phải tạo dựng được hạ tầng kết nối, giúp người dân chuyển hoạt động của mình lên môi trường số, hình thành công dân số. Đó là phát triển mạng di động thế hệ mới 4G, 5G; phát triển mạng cáp quang kết nối đến mỗi hộ gia đình.
Tiếp theo, đó là phải phát triển các nền tảng số quy mô quốc gia để cung cấp các dịch vụ cho người dân, DN trong công cuộc CĐS. Ví dụ, như nền tảng trao đổi định danh và xác thực điện tử quốc gia; Nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động cho phép người dân và DN sử dụng mọi dịch vụ, tiện ích trong Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số mọi lúc, mọi nơi.
Phát triển các CSDL quốc gia và CSDL các bộ, ngành, địa phương cũng là yếu tố cốt lõi để cung cấp DVC trực tuyến mức độ cao và cung cấp, mở dữ liệu để triển khai các dịch vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trên cơ sở các nền tảng trên, cũng phải triển khai các ứng dụng, dịch vụ quy mô quốc gia và tại các bộ, ngành, địa phương. Tiêu biểu như Cổng DVC quốc gia; Cổng dữ liệu quốc gia; các ứng dụng, dịch vụ chuyên ngành như ngành y tế, giáo dục, giao thông, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, du lịch, …
Để triển khai các nhiệm vụ, trong Chiến lược phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số cũng xác định các giải pháp quan trọng, tiêu biểu như: Tổ chức, bộ máy, mạng lưới để triển khai Chính phủ số; Tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng số cho mọi đối tượng; Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức; Hợp tác giữa CQNN và DN; Nghiên cứu, phát triển, làm chủ các công nghệ lõi; Chuẩn hoá, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ.
PV: Chiến lược phát triển Chính phủ số của các nước nói chung và Việt Nam nói riêng  đều nhấn mạnh đến vai trò của dữ liệu. Vậy để đáp ứng sự phát triển chính phủ số tại Việt Nam, ngoài 6 CSDL quốc gia cần ưu tiên triển khai, trong tương lai chúng ta còn cần phải triển khai thêm những CSDL nào? Kinh nghiệm của các nước và lưu ý riêng cho Việt Nam?
Ông Nguyễn Phú Tiến: Có thể nói đặc trưng quan trọng nhất của phát triển Chính phủ số là phải dựa trên dữ liệu. Chính vì vậy, trong Chiến lược cũng nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển dữ liệu số ở quy mô quốc gia, cũng như tại các bộ, ngành, địa phương.
Ở quy mô quốc gia, trước hết phải phát triển các CSDL quốc gia phục vụ triển khai các dịch vụ cơ bản, thiết yếu liên quan đến người dân, DN, CQNN. Xác định dữ liệu về dân cư, đất đai, DN là dữ liệu trụ cột, cốt lõi cần phải hoàn thành, đưa vào khai thác sớm để dẫn dắt, liên kết, thống nhất toàn bộ dữ liệu trong CQNN về các ngành, lĩnh vực. Các CSDL này cũng thuộc 6 CSDL quốc gia cần ưu tiên triển khai theo Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng như các nước, ngoài việc phát triển các CSDL quốc gia, Việt Nam cũng phải phát triển các CSDL thuộc các bộ, ngành, địa phương để tạo dựng hạ tầng dữ liệu quốc gia phát triển Chính phủ số; ưu tiên phát triển các CSDL có tính nền tảng và thuộc các lĩnh vực trọng tâm cần CĐS. Chiến lược phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số của Việt Nam xác định rõ nhiệm vụ xây dựng dữ liệu có phạm vi toàn quốc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên phát triển dữ liệu trong các lĩnh vực quan trọng như: hạ tầng không gian địa lý; bảo hiểm, y tế, an sinh xã hội; tài chính; căn cước; hộ tịch; giáo dục; đào tạo; cán bộ công chức, viên chức; nông nghiệp; lao động, việc làm; phương tiện giao thông, xây dựng, xuất nhập khẩu. Đồng thời, cũng phát triển các CSDL chuyên ngành phục vụ ứng dụng, dịch vụ Chính phủ số trong nội bộ của bộ, ngành, địa phương
PV: Ông có thể chia sẻ trên thế giới đã có những quốc gia nào triển khai Chính phủ số? Việt Nam có những thuận lợi và khó khăn gì trong phát triển chính phủ số?
Ông Nguyễn Phú Tiến: Chính phủ số, cùng với kinh tế số và xã hội số là 3 trụ cột trong CĐS. CĐS là một quá trình, không phải đích đến. Chính phủ số là xu hướng mới. Năm 2020, lần đầu tiên Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển CPĐT của Liên Hợp quốc có chủ đề về Chính phủ số, đó là: "Chính phủ số trong một thập kỷ hành động vì sự phát triển bền vững".
Trong bối cảnh trên, có thể nói, chưa nước nào đã hoàn thành triển khai chính phủ số. Tuy nhiên, nhiều nước trên thế giới sớm nhận ra xu hướng và đã có hành động cụ thể chuyển dịch sang phát triển
Chính phủ số bằng cách tuyên bố chiến lược, kế hoạch tổng thể phát triển của quốc gia mình, điển hình như Singapore (tháng 6/2018), Úc (tháng 12/2018), Thái Lan (tháng 10/2019), Nhật Bản (tháng 12/2019), Indonesia (tháng 02/2020), Malaysia (tháng 02/2016), Brunei (tháng 3/2015),…
Khi phát triển Chính phủ số, cũng như các nước khác, Việt Nam có cả thuận lợi và khó khăn với những đặc thù riêng của mình.
Về thuận lợi, trước hết là chúng ta có thể kế thừa, khai thác các kết quả triển khai CPĐT giai đoạn vừa qua như đã nói ở trên. Ngoài ra, một số đặc thù của Việt Nam cũng là những thuận lợi. Cụ thể, Việt Nam có Đảng lãnh đạo, Chính quyền tập trung, thống nhất chỉ đạo sẽ giúp các nhiệm vụ phát triển Chính phủ số được triển khai đồng bộ, từ Trung ương đến địa phương, toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc. Dân số Việt Nam đông, trẻ, thích ứng nhanh sẽ tạo điều kiện thuận cho việc tiếp cận các dịch vụ Chính phủ số.
 
Trong khi đó, thị trường trong nước đủ lớn sẽ tạo điều kiện cho các DN công nghệ số phát triển, làm chủ các công nghệ lõi trong phát triển Chính phủ số. DN công nghệ số đông, sẵn sàng tham gia phát triển các dịch vụ Chính phủ số. Hạ tầng số cũng có mức độ sẵn sàng cao sẽ tạo điều kiện tiên quyết cho việc phát triển và cung cấp dịch vụ số của các CQNN.
 
Ngoài những thuận lợi, khi phát triển Chính phủ số ở Việt Nam chắc chắn cũng sẽ bắt gặp những khó khăn, thách thức có thể kể đến như thay đổi nhận thức, tư duy CĐS của các CQNN là việc rất khó thực hiện. Các cán bộ, công chức, viên chức rất ngại thay đổi thói quen làm việc, nhiều nơi vẫn dựa trên giấy tờ là chính.
 
Môi trường pháp lý cho phát triển Chính phủ số chưa hoàn thiện, đặc biệt là pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. CSDL liệu quốc gia hình thành chậm, trong khi dữ liệu là yếu tố nền tảng để phát triển Chính phủ số.
 
Vấn đề an toàn, an ninh mạng cũng đặt ra nhiều thách thức khi triển khai Chính phủ số. Người dân chưa có thói quen, kỹ năng số để tiếp cận các dịch vụ Chính phủ số.
 
PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

Ý kiến bạn đọc

    Tin mới nhất

    Những điểm mới của hạ tầng viễn thông Việt Nam trong năm 2030(15/03/2024 6:42 SA)

    Viện Chiến lược phải cầm nhịp, phải là tổng chỉ huy các chiến lược của Bộ TT&TT(15/03/2024 6:40 SA)

    Đã chặn khoảng 50 triệu tin nhắn, 50.000 thuê bao lừa đảo mỗi tháng(15/03/2024 6:39 SA)

    Đề xuất quy định về hoạt động bán buôn trong viễn thông(11/03/2024 6:44 SA)

    Lần đầu tiên tổ chức Ngày hội gửi thư hưởng ứng cuộc thi viết thư quốc tế UPU(04/03/2024 6:47 SA)

    Từ hôm nay 1/3/2024, điện thoại 2G không có chứng nhận hợp quy sẽ không thể sử dụng tại Việt Nam(04/03/2024 7:20 SA)

    Những điểm mới của hạ tầng viễn thông Việt Nam trong năm 2030(04/03/2024 7:18 SA)

    Lần đầu tiên tổ chức Ngày hội gửi thư hưởng ứng cuộc thi viết thư quốc tế UPU(04/03/2024 7:17 SA)

    Thông tin liên lạc thông suốt dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn(13/02/2024 7:21 SA)

    Hành trình tiếp sức doanh nghiệp công nghệ số Việt đưa sản phẩm ghi danh quốc tế(12/02/2024 7:39 SA)

    Khi nhà mạng hỗ trợ nông dân Việt bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số(12/02/2024 7:37 SA)

    Chứng minh năng lực mạng lưới lớn nhất Việt Nam, Bưu điện đảm bảo tối đa phát bưu gửi đến tay...(09/02/2024 7:31 SA)

    Việt Nam giành 4 giải tại giải thưởng kỹ thuật số ASEAN 2024(07/02/2024 7:40 SA)

    Doanh nghiệp muốn lớn mạnh thì phải có giấc mơ lớn(06/02/2024 7:23 SA)

    Viễn thông có vai trò rất lớn đối với sứ mệnh phát triển đất nước(01/02/2024 7:25 SA)

    Sau viễn thông, bưu chính Viettel khẳng định sẽ chinh phục thị trường thế giới(29/01/2024 7:32 SA)

    °
    55 người đang online