Đột phá chiến lược của các bộ, ngành và tỉnh, thành trong nhiệm kỳ này sẽ là chuyển đổi số

Ngày 05/3/2021, tại Hà Nội, Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị giao ban quản lý nhà nước (QLNN) quý I/2021 với các Sở TT&TT và các đơn vị phụ trách CNTT của các Bộ. Cổng TTĐT Bộ TT&TT xin trân trọng giới thiệu toàn văn kết luận, chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT kiêm Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW tại hội nghị.

 

bt-phat-bieu-chi-dao-1616041801071-1616041812543232236452_1.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Bộ TT&TT chính thức xin lỗi Sở TT&TT Quảng Ninh vì một văn bản do Cục Tin học hoá (THH) phát hành gửi Sở. Sở thì xin tư vấn, Cục không trả lời; Sở phát văn bản lần 2, Bộ trưởng nhắc thì Cục mới trả lời, nhưng trả lời là: Làm theo qui định pháp luật. Đây là câu trả lời an toàn cho người trả lời, nhưng không mang lại giá trị gì cho Sở. Đây là cách làm việc phổ biến hiện nay. Anh Dũng-Thứ trưởng phụ trách Cục Tin Học hoá đã gọi điện xin lỗi Giám đốc Sở; Hôm nay, Bộ trưởng chính thức xin lỗi Sở TT&TT Quảng Ninh. Bộ đã chỉ đạo Cục Tin Học hoá cho thu hồi văn bản trả lời và phát hành văn bản mới. Bộ TT&TT xin rút kinh nghiệm sâu sắc việc này và xin hứa với các Sở TT&TT, các Cục CNTT của các Bộ sẽ không lặp lại việc này nữa. Các đ/c Cục trưởng, Vụ trưởng của Bộ coi đây là lần nhắc cuối cùng của Bộ trưởng về việc này, nếu ai lặp lại việc này thì không nên làm cấp trưởng nữa.

cac-diem-cau-1616041823234-1616041825556718111821.jpg

Các điểm cầu tham gia Hội nghị trực tuyến giao ban QLNN quý I/2021 của Bộ TT&TT

 Một số vấn đề cần chú ý:

- Sở TT&TT dẫn dắt chuyển đổi số (CĐS) tại tỉnh, Cục CNTT dẫn dắt CĐS tại các bộ. Cục CNTT tại các bộ không chỉ làm CĐS hoạt động của Bộ mà còn là CĐS lĩnh vực, CĐS ngành. Khác với thời CNTT là chỉ làm ứng dụng CNTT cho hoạt động của Bộ.

 - Các bộ, ngành và tỉnh, thành sớm ban hành nghị quyết chuyên đề và chiến lược CĐS. Mục tiêu là xong trong quý II/2021. Hiện nay đã được 40%. Đột phá chiến lược của các bộ ngành và tỉnh thành trong nhiệm kỳ này sẽ là CĐS.

 - Bộ sẽ ban hành tiêu chí về hạ tầng số và đặt mục tiêu đạt top 30 thế giới trước 2025, các sở theo đó mà lập kế hoạch để yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư, tỉnh thì hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư. Hạ tầng số phải đi trước và vượt trội thì mới có thể đi nhanh về CĐS.

 - Năm 2021, tất cả các bộ, ngành và địa phương phải đưa dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 100%. Bến Tre, Tây Ninh, Bộ Y tế, Bộ TT&TT, Bảo hiểm, ... đã đạt 100%. Có thể làm nhanh trong 3 tháng. Cục Tin học hoá hướng dẫn, chỉ đạo làm nhanh, để mục tiêu chính phủ điện tử (CPĐT) được hoàn thành năm 2021 và bắt đầu thực hiện chiến lược chính phủ số (CPS).

 - Năm 2021, mỗi bộ ngành, mỗi tỉnh thành chọn khoảng từ một đến ba nội dung chính để thực hiện CĐS. Chọn cái đang khó khăn nhất, hoặc cái có thể mang lại hiệu quả nhất. Trong tháng Tư này, tham vấn Cục Tin học hoá để chọn xong, và cũng chỉ ra cách làm luôn.

 - Covid sẽ không kết thúc nhanh, sau covid có thể sẽ có các loại dịch bệnh khác nữa. Nền kinh tế toàn cầu sẽ dẫn đến nhiều loại dịch toàn cầu, vậy nên, các tỉnh phải có bộ công cụ, qui trình phát hiện chính xác người tiếp xúc gần để không phải cách ly cả xã, cả phường, cả huyện, cả tỉnh. Thay vì cách ly hàng ngàn người, hàng chục ngàn người thì chỉ cần cách ly vài chục, vài trăm người. Chỉ như vậy thì mới duy trì phát triển kinh tế được. Đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng chỉ đạo Cục THH làm ở Hải Dương thật tốt để hoàn thiện bộ công cụ CNTT, qui trình phát hiện. Trong tháng Tư báo cáo để nhân rộng ra các tỉnh. Đây sẽ là đóng góp lớn nhất của ngành chúng ta cho đất nước, cho người dân. Các sở TT&TT là người nắm bộ công cụ này để dùng cho tỉnh.

 - Các sở TT&TT giới thiệu 2 sàn giao dịch điện tử của Bưu điện và Viettel Post để người dân, các hộ nông dân của các tỉnh có thể lên sàn bán hàng ra toàn quốc. Vừa qua đang triển khai tại Hải Dương để giải cứu nông sản. Không thể để nông sản của bà con vứt trên đường. Hai sàn này vừa qua mới chỉ tập trung cho doanh nghiệp mà chưa làm cho bà con.

 Về sơ kết 2 năm của Uỷ ban Quốc gia về CPĐT:

- Năm 2020 có sự phát triển mạnh về CPĐT, trên 30% DVCTT mức độ 4. Đánh giá quốc tế năm 2020 là đánh giá của 2018 và 2019, Việt Nam xếp thứ 86. Kết quả 2020 chưa được đánh giá, sẽ được đánh giá 2022. Năm 2020 đã tốt, tiếp tục làm tốt 2021 thì 2022 sẽ có cải thiện đáng kể về thứ hạng quốc gia.

 - Tổng kết một số bài học về làm CPĐT, các bài học này có thể dùng tiếp cho CPS, đó là: cam kết của người đứng đầu; Có chiến lược xuyên suốt; Lấy người dân làm trung tâm; Thể chế đi trước; Cải cách thủ tục hành chính; Có cơ quan điều phối thống nhất; Hài hoà tập trung và phân tán; Luôn dùng công nghệ mới nhất; Đặt mục tiêu cao để tìm cách làm đột phá, càng khó càng dễ làm, mục tiêu càng cao càng dễ làm; Có ngân sách ổn định 1%.

 - Định hướng 5 năm tới: Tuyên bố chiến lược CPĐT hướng tới CPS. Năm 2021 là kết thúc CPĐT, trọng tâm là 100% DVCTT mức độ 4. CPS bắt đầu từ 2021, đến 2025 hình thành CPS và xếp hạng top 50.

 Về khác biệt giữa CNTT và CĐS, công nghệ số (CNS):

- CNTT thì làm dần dần, hết xã này thì đến xã kia. CNS thì xây dựng nền tảng cho ngay 11.000 xã.

 - CNTT thì phải đào tạo người dùng, nền tảng số thì không cần dạy người dùng, dùng giống như Zalo.

 Về một số cách làm mới:

1. Dùng Open Platform để điều hành công việc, nhằm phát huy sáng tạo của tất cả mọi người. Công việc, trách nhiệm cùng chia sẻ trên Platform. Vận hành các Cục ảo toàn quốc, với sự tham gia của các sở, các bộ, các doanh nghiệp, hiệp hội. Cục THH thí điểm đầu tiên, sẽ sơ kết vào cuối tháng Năm để nhân rộng.

 2. Đối với các việc mới, như CĐS, thì các cục, vụ, sở phải tự tay làm trước, làm đến kết quả, đạt hiệu quả, chỉ sau đó mới nói người khác làm, mới ra văn bản nhân rộng.

 3. QLNN thì phải đóng vai người dân để làm. Làm cái gì thì dùng cái đó, mình hài lòng thì người khác mới có thể hài lòng. Truyền thông giá trị các dịch vụ công dưới góc nhìn người dân. QLNN thì đo đạc, vi hành dưới góc nhìn người dân.

 4. Nhận làm cái gì thì làm đến nơi, ra kết quả, đạt hiệu quả. Kiên quyết tránh nhận việc mà không làm, không làm đến nơi.

 5. Tổ chức công việc thì tách việc sự vụ và việc dài hơi, chuyên môn sâu. Không để một người phải làm cả 2 việc này.

 6. Về CĐS thì làm trước cho những người đang bị bỏ rơi, thí dụ người già; làm cho những nơi khó khăn, thí dụ nông thôn, vùng sâu, vùng xa. CĐS thì làm cho trẻ con 100% ngay từ đầu, người lớn thì mới làm dần dần. 

Mic.gov.vn