Tăng cường phòng ngừa tình trạng vi phạm pháp luật và tội phạm Internet trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

Thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm trên mạng internet diễn ra phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân. Các hành vi lợi dụng mạng internet để lừa đảo, đánh bạc, tung tin sai sự thật diễn ra với nhiều hình thức tinh vi, thủ đoạn khác nhau. Đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, số đối tượng thông qua mạng viễn thông và Internet thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật ngày càng tăng. Trong đó, nổi lên một số loại tội phạm mới xuất hiện như lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến hoạt động đầu tư tài chính vào các sàn giao dịch tiền ảo, tiền điện tử; thu thập, tàng trữ, trao đổi mua bán công khai hóa đơn trái phép, thông tin về tài khoản ngân hàng; truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy qua mạng internet. Ngoài ra, một số loại tội phạm còn lợi dụng các trang mạng xã hội để cưỡng đoạt tài sản mua bán, hướng dẫn chế tạo các loại súng hơi, công cụ hỗ trợ và các loại vũ khí...

Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên cũng đã xuất hiện các hành vi vi phạm, tội phạm qua mạng viễn thông và internet với các phương thức thủ đoạn khác nhau, trong đó phải kể đến việc một số đối tượng lợi dụng mạng internet tiến hành các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đối tượng thông qua việc sử dụng các phần mềm tạo số điện thoại ảo, công nghệ VoIP (Voice over Internet Protocol – cuộc gọi điện thoại truyền qua Internet), giả mạo là cán bộ Công an, Viện kiểm sát, gọi điện cho người dân để gây sức ép, thực hiện hành vi lừa đảo. Để chứng minh sự trong sạch của mình, chủ thuê bao phải chuyển số tiền lớn đến tài khoản do chúng chỉ định, sau đó chúng rút tiền hoặc chuyển sang tài khoản khác. Điển hình là vụ bà N.T.T.H trú tại khu đô thị Ecopark, Văn Giang. Bà H nhận được điện thoại từ các số 6772196423, 2587736751 và ứng dụng viber cho biết họ đang công tác tại Công an Thành phố Hà Nội và Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội thông báo bà H đang liên quan đến một vụ mua bán ma túy, rửa tiền và sắp bị tạm giam. Đồng thời những người này gửi cho bà H hình ảnh của văn bản có đề Lệnh bắt tạm giam và Quyết định ban hành tài khoản tạm giữ tài sản phục vụ điều tra. Những người này yêu cầu bà H cung cấp thông tin cá nhân, thông tin liên quan đến tài khoản bà H mở tại ngân hàng. Sau khi bà H cung cấp thông tin trên cho những người này thì phát hiện số tiền 3,09 tỷ đồng đã bị chuyển sang các số tài khoản khác.

Một phương thức thủ đoạn khác mà các đối tượng lừa đảo hay dùng đó là, lập các trang web hoặc đứng ra làm đầu mối cho sàn giao dịch nước ngoài, thông qua hình thức kinh doanh đa cấp hoặc qua các sàn giao dịch ảo (sàn vàng, ngoại tệ, bất động sản), lôi kéo khách hàng mở tài khoản giao dịch để chiếm đoạt tiền đầu tư. Sau khi nhận tiền của khách hàng, đối tượng đánh sập trang web và bỏ trốn. Điển hình là vụ bà N.T.T.T truy cập trang http://www.shopping247.cc để đặt đơn hàng. Ngày 10/04/2021, Bà T đã chuyển 100 triệu đồng vào tài khoản do website trên cung cấp. Hôm sau, bà T phát hiện trang http://www.shopping247.cc bị đánh sập, toàn bộ số tiền bà T chuyển vào đã bị chiếm đoạt. Hoặc trường hợp sử dụng website http://pchome-global.com và ứng dụng Pchome Online để lừa đảo 330 triệu đồng đối với 6 cá nhân trên địa bàn huyện Văn Giang.

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn dùng một số thủ đoạn khác để chiếm đoạt tiền của người dùng mạng như: Mở các trang cá nhân bán hàng online, đặt hàng, sau đó quảng cáo, rao bán các mặt hàng, yêu cầu bị hại chuyển khoản đặt cọc; sau khi nhận cọc hay được chuyển khoản trước để đặt mua hàng, đối tượng không giao hàng hoặc giao hàng giả, hàng kém chất lượng, sau đó, khóa trang mạng của mình hoặc xóa hẳn để xóa dấu vết, bỏ số điện thoại và chiếm đoạt tài sản của bị hại. Hoặc nhắn tin thông báo người bị hại đã trúng một giải thưởng có giá trị lớn, sau đó, yêu cầu nạn nhân nộp phí để nhận thưởng. Giả mạo trang web của ngân hàng, cán bộ ngân hàng yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các giao dịch ngân hàng của người dân để chiếm đoạt tài sản. Dùng các thủ thuật chiếm đoạt email, số điện thoại, tài khoản mạng xã hội sau đó gửi cho người thân, bạn bè của người này để lừa chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng, mượn tiền thông qua thẻ cào điện thoại;

Trước tình hình trên, năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường công tác đấu tranh ngăn chặn các thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật trên không gian mạng như: Chỉ thị số 22/CT-BTTTT ngày 26/5/2021 về tăng cường công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet; Quyết định số 874/QĐ-BTTTT về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; Công văn số 1800/BTTTT-PTTH&TTĐT ngày 28/5/2021 về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội. Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên cũng đã ban hành Công văn số 1697/UBND-KGVX ngày 30/7/2021 về việc tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về dịch Covid-19 trên mạng… Ngoài ra, nhằm phát hiện, truy vết các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, tỉnh Hưng Yên đã xây dựng phần mềm giám sát nội dung thông tin liên quan đến tỉnh và Hệ thống giám sát, điều phối an toàn thông tin tỉnh Hưng Yên (SOC) nhằm thực hiện theo dõi các thông tin xấu độc có liên quan đến tỉnh.

Tuy nhiên, nhằm ngăn chặn triệt để các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức sử dụng internet đúng cách và ứng xử có văn hóa trên không gian mạng, không thực hiện chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng; không cung cấp thông tin về các dịch vụ ngân hàng số gồm tài khoản đăng nhập, mật khẩu, mã xác thực (OTP) hoặc số thẻ tín dụng, … cho bất kỳ ai, kể cả những người tự xưng là đại diện cơ quan pháp luật, nhân viên ngân hàng, nhân viên các doanh nghiệp quản lý ví điện tử…. Không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn/email lạ hoặc không rõ nguồn gốc; không thực hiện giao dịch theo yêu cầu của các đối tượng lạ khi nhận được điện thoại, tin nhắn có nội dung liên quan đến giao dịch ngân hàng; không cài đặt các ứng dụng chưa được xác thực trên kho ứng dụng, đặc biệt là theo yêu cầu của đối tượng lạ; không cho mượn hoặc cho thuê thông tin cá nhân để mở thẻ, tài khoản ngân hàng. Thực hiện xác thực thông tin (qua điện thoại di động hoặc trực tiếp) trước khi thực hiện thanh toán/chuyển tiền khi nhận được yêu cầu từ Facebook/Zalo/Messenger từ người thân/bạn bè; Chủ động khóa tài khoản, thay đổi mật khẩu đăng nhập Internet Banking, Mobile Banking; hoặc liên hệ ngay với Ngân hàng, đến điểm giao dịch gần nhất yêu cầu tạm khóa dịch vụ Thẻ/Ngân hàng điện tử nếu đã xảy ra rủi ro mất tiền hoặc trong tình huống nghi ngờ bị lừa đảo; đồng thời liên hệ ngay công an địa phương khi phát hiện mất tiền trong tài khoản do bị lừa đảo để kịp thời điều tra, xử lý.

Khánh An