Truyền thông số thúc đẩy phục hồi kinh tế

Ngày 24/5, tại Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã tổ chức Hội thảo "Truyền thông số thúc đẩy phục hồi kinh tế" với sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế, truyền thông. Hội thảo đã tập trung thảo luận về những cơ hội và thách thức khi truyền tải các thông tin kinh tế trong môi trường thông tin đa chiều, đa dạng hiện nay đối với báo chí, truyền thông.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó tổng Giám đốc VTV cho biết: "Trong xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đang ngày càng tiến sâu vào từng ngành nghề, từng lĩnh vực. Trong đó, truyền thông cũng đang chứng kiến sự chuyển đổi mạnh mẽ. Truyền thông đa nền tảng được xem là xu hướng tất yếu mà các cơ quan báo chí đều đang hướng đến và VTV cũng không nằm ngoài xu hướng đó".

Độc giả ở đâu chúng ta ở đó.

Theo ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, trước đây, các cơ quan báo chí dựa vào quá nhiều nền tảng khác nhau. Những năm gần đây đã thay đổi.

Ong-Le-Quoc-Minh.jpg

Ông Lê Quốc Minh: "Chuyển đổi số không phải về công nghệ mà là thay đổi tư duy, văn hóa đơn vị"

 

"Xây dựng nền tảng riêng là rất khó nhưng chúng ta cần chủ động thu thập dữ liệu độc giả, nếu hiểu độc giả thì nắm phần thắng 50%, chủ động trong việc sản xuất nội dung. Nếu chúng ta sử dụng công cụ phân tích có thể biết xu hướng người dùng. Độc giả ở đâu chúng ta ở đó. Theo thống kê, người xem trung thành thường chiếm 20% và chúng ta cần đưa cho họ nội dung tốt để giữ chân họ. Những người đi ngang qua chiếm tới 80% nhưng không mang lại giá trị. Do đó, các cơ quan báo chí cần dành năng lượng, vật chất để giữ 20% quan trọng, mang lại nhiều tiền cho chúng ta", nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

“Người ta nói về việc radio, truyền hình sẽ “chết”, hiện tại thì chưa nền tảng nào chết nhưng khó khăn là có thật, trong khi đó digital đang phát triển. Nếu không chuyển đổi số chắc chắn là “chết”. Chúng ta nên làm ngay hơn là chờ đợi. Không có cách nào khác, các cơ quan báo chí cần có sự chuyển đổi số phù hợp. Chuyển đổi số không phải về công nghệ mà là thay đổi tư duy, văn hóa đơn vị” - nhà báo Lê Quốc Minh cho biết.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, truyền thông mới trên không gian internet phải đảm bảo sự tương tác giữa người đọc và người xem và chúng ta chịu sự giám sát cũng như tương tác liên tục với người đọc. Ngoài ra, trên không gian số, chúng ta có một cơ hội chưa bao giờ có là tìm lại được người đọc, người xem thực sự của mình là ai, thu thập được dữ liệu khá đầy đủ về hành vi đọc, nhu cầu đọc của độc giả để có thể phục vụ họ tốt hơn. 

Nội dung là hàng hoá quan trọng nhất của hạ tầng số.

Trao đổi về khó khăn trong chuyển đổi số của các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, hiện nay “Chiến lược chuyển đối số báo chí đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030” đang được trình lên Thủ tướng Chính phủ. Khi Chiến lược được phê duyệt, chúng ta sẽ có những sở cứ đầy đủ hơn để hiểu về cách mà Nhà nước sẽ tiếp cận và đồng hành với câu chuyện chuyển đổi số của báo chí. Ông Lâm nhấn mạnh, nếu không chuyển đổi số chắc chắn là “chết” nhưng khó khăn là đầu tư thế nào và bắt đầu từ đâu với hoàn cảnh, điều kiện của từng cơ quan báo chí cụ thể.

Ong-Nguyen-Thanh-Lam-phat-bieu.jpeg

Ông Nguyễn Thanh Lâm: “Chúng ta không thể để mạng xã hội trở thành nơi độc diễn của những nguồn thông tin không chính thống”

 

“Hiện nhiều cơ quan báo chí tự cân đối ngân sách cũng rất khó khăn chứ không nói gì đến câu chuyện đầu tư phát triển. Do đó nhà nước cũng có thể có những nguồn lực để đầu tư từ nguồn ngân sách. Nhưng nhà nước có vai trò quan trọng hơn là kéo những doanh nghiệp trong nước có hạ tầng số, có lợi thế về công nghệ, về tài chính có thể đồng hành với việc chuyển đổi số của báo chí”, ông Lâm cho biết. 

Theo ông Lâm, ở đây không phải đơn thuần là kêu gọi doanh nghiệp giúp báo chí, mà là chỉ ra mối quan hệ cộng sinh giữa doanh nghiệp viễn thông, hạ tầng số với các cơ quan báo chí trong hệ sinh thái số. Nội dung phải là hàng hoá quan trọng nhất của hạ tầng số, vì thế đơn vị làm nội dung (cơ quan báo chí) và doanh nghiệp hạ tầng số đều cần đến nhau.

Điểm thứ 2 là Nhà nước sẽ có những định hướng, dẫn dắt các cơ quan báo chí nên làm gì trước, sao cho vừa sức, có những cách làm chuyển đối số “nói ít làm nhiều”, đi theo cách hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện riêng của từng cơ quan báo chí..

Mọi người đều phải có trách nhiệm phòng chống tin giả!

Về vấn đề phòng chống tin giả trên các nền tảng số, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, tất cả mọi người đều phải có trách nhiệm. Bản thân người đọc tin cũng phải có trách nhiệm trang bị cho mình những kỹ năng nhận diện, phòng tránh tin giả, bắt đầu bằng việc chia sẻ có trách nhiệm, hoặc hạn chế chia sẻ những tin tức đọc được trên mạng.

Đối với cơ quan quản lý và các nền tảng truyền thông, ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, chúng ta không thể mãi “thả gà ra đuổi” và chạy theo để xử lý hậu quả. Sẽ phải có những biện pháp đón đầu, ngăn chặn từ gốc hiệu quả hơn. Ví dụ cơ quan quản lý sẽ làm việc nhiều hơn với các nền tảng mạng xã hội, như: TikTok, Facebook, YouTube… Các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới sẽ phải làm tốt hơn việc ngăn chặn tin giả. Đã có những lúc và thậm chí đến bây giờ những nền tảng này vẫn đang hưởng lợi từ việc để cho tin giả phát tán. “Các mạng xã hội xuyên biên giới phải làm tốt hơn việc này. Phải chấm dứt việc hưởng lợi từ việc phát tán tin giả, nếu không làm thì phải có chế tài”.

Giải pháp thứ hai, theo ông Nguyễn Thanh Lâm, các cơ quan báo chí phải mang thông tin chính thống vào không gian mạng. “Chúng ta không thể để mạng xã hội trở thành nơi độc diễn của những nguồn thông tin không chính thống”.

Với mục tiêu hướng nội dung đến với nhiều đối tượng người xem hơn, tại Hội thảo lần này, Đài Truyền hình Việt Nam đã ra mắt Hệ sinh thái thông tin kinh tế VTV Money. Theo đó, đối tượng không chỉ là các khán giả ngồi trước màn hình tivi truyền thống, mà còn là những người cập nhật thông tin từng giờ từng phút qua thiết bị di động, thiết bị thông minh...

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ xây dựng và phát triển VTV Money trở thành tổ hợp đa nền tảng truyền thông kinh tế - tài chính uy tín hàng đầu tại Việt Nam, cung cấp nhiều thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, được cá nhân hóa tới công chúng mọi lúc, mọi nơi, phản ánh khách quan dòng chảy kinh tế, lan tỏa năng lượng tích cực, góp phần phát triển kinh tế đất nước./.

mic.gov.vn