VNPT Hưng Yên đồng hành cùng tỉnh trong chuyển đổi số

Ngày 26/03/2021, UBND tỉnh Hưng Yên và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác Chiến lược Viễn thông và CNTT giai đoạn 2021-2025. Sau hơn một năm thực hiện thỏa thuận hợp tác chiến lược viễn thông, CNTT, tình hình ứng dụng CNTT phục vụ xây dựng chính quyền số, phục vụ kinh tế số, xã hội số tỉnh Hưng Yên đã có những bước tiến mới, mang lại những lợi ích hiệu quả, thiết thực. Ngoài ra, VNPT Hưng Yên đã tập trung đầu tư công nghệ, tài chính và nguồn nhân lực phát triển cơ sở hạ tầng VT-CNTT, phát triển đô thị thông minh, đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sau khi thỏa thuận được ký kết, xác định xây dựng hạ tầng số là bước quan trọng, góp phần phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số tỉnh Hưng Yên, VNPT đã triển khai xây dựng 39 trạm cơ sở hạ tầng di động mới, kéo và thi công gần 400 km cáp quang các loại, lắp đặt và phát sóng 44 trạm di động, nâng cấp mở rộng mạng lưới đảm bảo hoạt động thông suốt của các hệ thống cung cấp cho chính quyền, người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, VNPT cũng thực hiện phối hợp với Sở TT&TT vận hành có hiệu quả Trung tâm Dữ liệu tỉnh Hưng Yên, cung cấp hạ tầng đáp ứng cho gần 20 hệ thống, ứng dụng phục vụ công tác quản lý điều hành của cơ quan nhà nước trên địa bàn.

Nhằm tăng cường ứng dụng CNTT phục vụ xây dựng chính quyền số, VNPT đã thực hiện triển khai, nâng cấp hệ thống dịch vụ công – Một cửa điện tử của tỉnh, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính của tỉnh. Hệ thống Một cửa điện tử tỉnh Hưng Yên được triển khai chính thức từ năm 2017, đến nay đã được sử dụng tại tất cả các sở, ngành và các địa phương. Từ năm 2021 đến nay, VNPT phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh hoàn thiện và nâng cấp chức năng hệ thống, xây dựng tài liệu, quy trình số hoá hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính để đẩy mạnh triển khai công tác số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, từng bước đáp ứng các yêu cầu theo quy định. Đồng thời, nhằm thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, VNPT đã phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Sở TT & TT, Công an tỉnh và các sở, ngành liên quan thực hiện xây dựng bổ sung các kết nối từ hệ thống dịch vụ công – Một cửa điện tử đến hệ thống CSDL Quốc gia về dân cư đảm bảo việc sẵn sàng khai thác các TTHC thiết yếu có kết nối ứng dụng dữ liệu dân cư, từ đó góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Hưng Yên.

Nhằm hỗ trợ người dân trong quá trình thực hiện TTHC, đạt được chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 07 tháng 03 năm 2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 -2020, từ tháng 12/2021, VNPT đã phối hợp thực hiện tư vấn, triển khai hệ thống tổng đài dịch vụ công 1022 gồm các phân hệ: Phần mềm quản lý, App công dân, App công chức, tổng đài IP,.... Tính đến hết tháng 05/2022, hệ thống đã hoạt động hiệu quả với hàng trăm cuộc gọi và truy vấn hỏi đáp trên các ứng dụng hàng ngày. Tổng đài 1022 đã trở thành một kênh tuyên truyền, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính.

Hệ thống Quản lý văn bản điều hành cũng được VNPT triển khai, nâng cấp, đảm bảo kết nối, liên thông dữ liệu các cấp, kết nối văn bản trục quốc gia. Hiện nay, 100% các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã đưa vào sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành trong hoạt động nội bộ của cơ quan. Điều này mang lại hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành, giúp các cơ quan nhà nước hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng văn phòng điện tử không giấy tờ theo đúng chủ trương về đẩy mạnh ứng dụng CNTT của tỉnh. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng có sử dụng chữ ký số đạt trên 90%, bình quân hàng năm có khoảng gần 700.000 văn bản đến và gần 150.000 văn bản đi. Đối với các cơ quan Đảng, VNPT Hưng Yên phối hợp Văn phòng Tỉnh ủy đảm bảo công tác kết nối, liên thông dữ liệu và đảm bảo tính an toàn thông tin theo đúng quy định. Bên cạnh hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành, nhằm tăng cường ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh, VNPT đã triển khai mô hình “Phòng họp không giấy tờ” tại Văn phòng Tỉnh ủy và Văn phòng UBND tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết kiệm thời gian và chi phí, đặc biệt tránh được những sai sót trong sắp xếp tài liệu.

Với mục tiêu tăng cường hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, tăng tính tương tác giữa chính quyền với người dân, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, tháng 03/2022, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Kế hoạch triển khai Trung tâm điều hành thông minh IOC tỉnh Hưng Yên, trong đó nhấn mạnh công tác triển khai giai đoạn 01 tại UBND tỉnh và 03 đơn vị là: UBND TP.Hưng Yên, thị xã Mỹ Hào, huyện Văn Lâm. Tháng 5/2022, UBND huyện Văn Lâm và VNPT ký thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh. Hiện hai bên đã lựa chọn một số lĩnh vực ưu tiên, tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT như y tế, giáo dục để người dân sớm cảm nhận được những giá trị thay đổi từ chuyển đổi số.

Bên cạnh việc ứng dụng CNTT phục vụ chính quyền số, VNPT còn đồng hành cùng tỉnh Hưng Yên trong việc ứng dụng CNTT phục vụ kinh tế số. Với việc cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử, biên lai điện tử và ra mắt nền tảng chuyển đổi số cho doanh nghiệp OneSME đã góp phần cho sự phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ mới. Ngoài ra, để đẩy nhanh quá trình thanh toán không dùng tiền mặt,VNPT đã tích hợp các phương thức thanh toán trong các ứng dụng CNTT do VNPT cung cấp tại địa bàn, tích hợp thanh toán trên hệ thống dịch vụ công – Một cửa điện tử với nhiều nhóm dịch vụ công, phát triển ứng dụng VNPT Money với hơn 4000 điểm trạm thanh toán và hàng trăm điểm nạp, rút tiền thông qua các điểm giao dịch và điểm ủy quyền cung cấp dịch vụ viễn thông, từ đó góp phần thúc đẩy nhanh hơn, mạnh mẽ hơn quá trình thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh việc ứng dụng CNTT phục vụ chính quyền số, kinh tế số, VNPT  cũng rất coi trọng việc thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực giáo dục, y tế... Đối với giáo dục, hệ thống quản lý thông tin nhà trường vnEdu và sổ liên lạc điện tử mà VNPT triển khai trong thời gian qua, đặc biệt là xây dựng và triển khai Trung tâm điều hành giáo dục đã góp phần hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh. Đối với ngành y tế, việc triển khai hệ thống quản lý khám chữa bệnh và thanh toán điện tử VNPT – HIS tới tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cùng với các ứng dụng như hệ thống QR Code checkin tại các doanh nghiệp ở khu công nghiệp Thăng Long 2, KCN Phố Nối A; hệ thống quản lý, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại gia đình... đã góp phần không nhỏ giúp hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh trong việc khám chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh thời gian vừa qua.

Những kết quả trên đã cho thấy, VNPT tích cực đồng hành cùng với tỉnh xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Điều này đã góp phần giúp Hưng Yên thực hiện chuyển đổi số, được thể hiện thông qua việc tăng thứ hạng chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh - DTI (tăng 14 bậc từ thứ hạng 49 năm 2020 lên thứ hạng 35 năm 2021, đặc biệt các chỉ số quan trọng như: kinh tế số, xã hội số, an toàn an ninh thông tin mạng đều có sự tăng trưởng mạnh). Tuy nhiên, chuyển đổi số là một quá trình lâu dài, phức tạp, đòi hỏi sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp, các cá nhân và không thể thiếu vai trò đồng hành của các đơn vị CNTT trong đó có VNPT Hưng Yên. Trong thời gian tới, VNPT Hưng Yên sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao việc ứng dụng CNTT của tỉnh, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên; tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hạ tầng mạng VT&CNTT tại tỉnh; cung cấp các giải pháp, ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số...

Ngọc Anh