Đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin trong quá trình thực hiện chuyển đổi số

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu đến năm 2030, đưa tỉnh Hưng Yên bứt phá vươn lên nhóm 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dẫn đầu về chuyển đổi số.

Nhằm thực hiện mục tiêu trên, thời gian qua, tỉnh Hưng Yên đã tích cực triển khai các hoạt động thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tỉnh Hưng Yên đã xây dựng được 08 hệ thống thông tin dùng chung, bao gồm: Cổng thông tin điện tử; Cổng dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống một cửa điện tử; Hệ thống thư điện tử công vụ; Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến; Hệ thống cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức và chữ ký số chuyên dùng do Ban cơ yếu Chính phủ cấp; Hệ thống giao ban trực tuyến. Toàn tỉnh có 45 hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động chuyên môn, trong đó có 23 hệ thống cơ sở dữ liệu sẵn sàng được chia sẻ dùng chung khi có yêu cầu. Đã thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu 06 hệ thống thông tin của các đơn vị với các bộ, ngành trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia trong giải quyết thủ tục hành chính; cung cấp 1834 thủ tục hành chính, trong đó có 645 thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến một phần và 931 thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến toàn trình. Cổng dịch vụ công tỉnh Hưng Yên hiện đã được kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Hệ thống phần mềm quản lý văn bản điều hành đã được triển khai đến 100% các cơ quan hành chính của tỉnh và tiếp tục được mở rộng đến các đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở, ngành, đảm bảo việc gửi nhận văn bản liên thông 4 cấp theo yêu cầu của Chính phủ. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng có sử dụng chữ ký số ở cấp tỉnh, huyện đạt trên 98%.

Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trên môi trường mạng, tiến trình chuyển đổi số của tỉnh sẽ phải đối mặt với những thách thức về an toàn, an ninh thông tin như: Thư điện tử giả mạo, file đính kèm hay liên kết ẩn chứa mã độc, tội phạm công nghệ cao, tấn công mạng, rò rỉ, lộ lọt thông tin, xuyên tạc và phát tán thông tin xấu, sai sự thật... Do đó, công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng cho các hệ thống thông tin, nền tảng số phải được coi là trọng tâm, ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Để đảm bảo an toàn thông tin khi trao đổi thông tin trên môi trường mạng, Hưng Yên đã triển khai đồng bộ các giải pháp từ quy định pháp lý, cơ chế, chính sách đến đầu tư cơ sở hạ tầng, triển khai các phương án kỹ thuật và đặt biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên đã ban hành các Quyết định: 05/2016/QĐ-UBND ngày 17/3/2016 về Quy chế đảm bảo an toàn, an ninh thông tin thuộc lĩnh vực CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; Số 08/2017/QĐ-UBND ngày 02/6/2017 về Quy chế quản lý và sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh Hưng Yên; 25/2019/QĐ-UBND ngày 05/7/2019 về quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; 63/2021/QĐ-UBND ngày 20/9/2021 về quy chế quản lý, vận hành và sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; 42/2022/QĐ-UBND ngày 03/11/2022 về Quy chế quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Hưng Yên…

Cùng với đó, tỉnh đã xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng tỉnh (SOC) và Trung tâm điều hành thông minh (IOC), hoàn thành việc triển khai bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp theo chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Triển khai hệ thống phòng, chống mã độc tập trung tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh; điều hành, xử lý sự cố, giám sát mã độc tập trung trên 2.000 máy tính của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; kết nối, đồng bộ dữ liệu về Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Đồng thời, đã phối hợp các đơn vị liên quan triển khai lập hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các đơn vị. Đến nay đã có hơn 20 hệ thống thông tin được xác định cấp độ và triển khai phương án đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Bên cạnh việc quan tâm đầu tư, triển khai các giải pháp kỹ thuật, bảo vệ nhiều lớp, tỉnh còn xây dựng, kiện toàn lực lượng an toàn thông tin tại chỗ, thành lập đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng với 53 thành viên là kỹ sư CNTT tại các sở, ban, ngành tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố. Thường xuyên phối hợp với các đơn vị trong mạng lưới ứng cứu sự cố quốc gia thu thập thông tin, kịp thời cảnh báo sự cố, điểm yếu, lỗ hổng bảo mật, nguồn tấn công mạng để các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh chủ động phòng, chống, giảm thiểu rủi ro, mất an toàn thông tin mạng. Định kỳ hằng năm, tổ chức diễn tập an toàn thông tin mạng theo phương thức thực chiến với sự tham gia của cán bộ chuyên trách CNTT các cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhờ vậy, trên địa bàn tỉnh không để xảy ra sự cố về mất an toàn thông tin.

Để nâng cao năng lực, đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin trong quá trình thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Hưng Yên sẽ ưu tiên triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin, hoàn thiện kết nối hệ thống Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an; thực hiện bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp; hoàn thiện Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng (SOC) và Trung tâm điều hành thông minh (IOC); hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong tỉnh hoàn thành xác định cấp độ và triển khai phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ. Cùng với đó, hoàn thiện các quy định pháp lý về bảo đảm an toàn thông tin mạng, tăng cường hoạt động đào tạo, huấn luyện, diễn tập an toàn thông tin cho đội ngũ cán bộ chuyên trách và phối hợp với các cơ quan chuyên trách Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện điều phối, ứng cứu các sự cố an toàn an ninh thông tin trên địa bàn tỉnh.

 

Xuân Hạnh - Trung tâm CNTT&TT