Sắp hết thời “miễn phí” giấy phép tần số.

Bộ TT&TT đang hoàn thiện quy định về về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện để trình Thủ tướng trong quý 3/2011. Theo quy định này, tất cả các tần số quý hiếm sẽ được đấu giá chứ không “miễn phí” như hiện nay.

Các mạng di động sẽ phải tiến hành đấu giá tần số 4G chứ không được miễn phí như 3G.

Ông Lê Văn Tuấn, Phó cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện của Bộ TT&TT cho biết, việc đấu giá tần số sẽ thực hiện qua hai vòng. Vòng thứ nhất là những cam kết của doanh nghiệp để triển khai dịch vụ nếu được cấp phép như đầu tư, nhân lực, chất lượng dịch vụ... Vòng thi tuyển này giống như việc thi tuyển 3G vừa qua để chọn ra nhà cung cấp dịch vụ có đủ khả năng triển khai sau khi được cấp phép băng tần.

Vòng thứ hai có thể tiến hành đấu giá kín gần giống đấu thầu. Bản chất của vòng đấu thứ 2 này là thi đấu về tiền giữa các nhà cung cấp dịch vụ. Vòng thi đấu này được thực hiện giống quy chế đấu thầu.

Tuy nhiên, Bộ TT&TT cũng có thể áp dụng một cách thi đấu khác được gọi là đấu giá nhiều lần để cho nhà cung cấp dịch vụ lấy băng tần. Trường hợp này, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sẽ phải trả giá công khai như đấu giá các vật phẩm thông thường. Việc trả giá của mỗi doanh nghiệp đều được công khai cho đến khi doanh nghiệp trả giá cao nhất trong tất cả các doanh nghiệp thi đấu sẽ được nhận giấy phép.

Ông Lê Văn Tuấn cho biết, việc đấu giá tần số sẽ được thực hiện đối với những băng tần có giá trị kinh tế cao và số lượng doanh nghiệp có nhu cầu với băng tần này lớn hơn số lượng băng tần sẵn có. Tuy nhiên, để thực hiện được việc đấu giá băng tần, Bộ TT&TT sẽ phải tiến hành quy hoạch tần số.

“Bộ TT&TT sẽ không chia nhỏ tần số ra để đấu giá như một số quốc gia. Khi tiến hành quy hoạch tần số, Bộ TT&TT sẽ tính toán đủ cho mỗi doanh nghiệp khi được cấp phép tần số sẽ có thể cung cấp dịch vụ tốt. Việc quy hoạch tần số sẽ được thực hiện theo mục tiêu thúc đẩy các dịch vụ băng rộng. Hiện Bộ TT&TT đang thúc đẩy lộ trình số hóa dịch vụ truyền hình để có thêm băng tần phát triển dịch vụ băng rộng”, ông Lê Văn Tuấn nói.

Hiện Cục Tần số Vô tuyến điện đang nghiên cứu việc tiến hành đấu giá tần số cho công nghệ 4G ở băng tần 2.6GHz và 2.3GHz. Quan điểm của Bộ TT&TT là trung lập về công nghệ. Việc lựa chọn công nghệ nào sẽ do các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lựa chọn.

Ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông của Bộ TT&TT cho hay, khi doanh nghiệp tiến hành đấu giá để lấy tần số thì cũng có thể chuyển nhượng tần số này. Tuy nhiên, quy định về chuyển nhượng tần số chỉ áp dụng cho những trường hợp doanh nghiệp có được do đấu giá mà có chứ không áp dụng cho những trường hợp cấp phát tần số không qua đấu giá.

Giới phân tích cho rằng, việc đưa ra quy định về đấu giá tần số sẽ làm minh bạch thị trường viễn thông đồng thời doanh nghiệp có khả năng triển khai và mong muốn cung cấp dịch vụ sẽ được nhận giấy phép. Việc đấu giá này sẽ buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải tính toán đến hiệu quả kinh doanh khi phải bỏ “tiền tươi, thóc thật” ra để lấy giấy phép tần số.  

Theo IctNews.vn