23/06/2023 | lượt xem: 13 Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) Sáng nay (22/6), tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Toàn cảnh Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) Phát biểu khai mạc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận tại tổ, với 92 ý kiến phát biểu. Các đại biểu đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông, tháo gỡ những vướng mắc bất cập, sửa đổi các quy định không còn phù hợp với thực tiễn và bổ sung các chính sách mới để hoàn thiện giúp phát triển dịch vụ viễn thông, hạ tầng viễn thông, mở rộng không gian phát triển cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đối với từng nhóm chính sách... Dự thảo Luật đã thể chế hóa khá đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng Các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và cho rằng, các nội dung trong dự thảo Luật đã thể chế hóa khá đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng nhằm xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông theo hướng: Hạ tầng số là thiết yếu, bảo đảm an toàn thông tin mạng là then chốt; ưu tiên đầu tư nhanh, đi trước một bước; khắc phục vướng mắc, bất cập, sửa đổi các quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng hơn về sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Viễn thông phải xuất phát từ thực tiễn bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và xu hướng giao thoa hội tụ giữa viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số, tự động hóa, phát thanh truyền hình, điện ảnh ngày càng gia tăng; bổ sung đầy đủ hơn để đánh giá tác động của các chính sách mới trong dự thảo Luật. Đại biểu Vương Quốc Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Đồng tình với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet, dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) cho rằng, việc bổ sung các loại hình dịch vụ này nhằm quản lý kịp thời các dịch vụ ứng dụng mới xuất hiện hoạt động trên nền tảng internet mà không sử dụng tài nguyên số, phụ thuộc vào kết nối viễn thông. Mặt khác, các dịch vụ mới này được sử dụng phổ biến nhưng vẫn chưa được điều chỉnh đầy đủ trong pháp luật hiện hành, do đó cần có chế tài để quản lý, bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ, an toàn an ninh. Đại biểu cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, tính toán thật hợp lý vì nếu quy định quá chặt sẽ ảnh hưởng đến việc khuyến khích phát triển các dịch vụ mới. Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng Đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng đánh giá, dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) đã mở rộng đáng kể phạm vi điều chỉnh một số ngành, lĩnh vực không phải là hoạt động và dịch vụ viễn thông truyền thống, nay đang là các dịch vụ trở nên phổ biến và ngày càng có xu hướng thay đổi các dịch vụ viễn thông truyền thống. Đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát mức độ áp dụng các quy định quản lý đối với các loại hình dịch vụ này trong dự thảo Luật đến đâu để đảm bảo vẫn thông thoáng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, hoạt động kinh doanh dịch vụ hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, nhưng vẫn đảm bảo có các hành lang pháp lý để quản lý. Đại biểu Sùng A Lềnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai Tại phiên thảo luận, quy định về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích tại Điều 33 của dự thảo Luật cũng nhận được sự quan tâm góp ý của đại biểu Quốc hội. Đại biểu Sùng A Lềnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cho rằng, mục tiêu Quỹ là hỗ trợ cho người nghèo ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, xây dựng một số công trình hạ tầng viễn thông, nhằm giảm bớt sự chênh lệch về khoảng cách giữa các vùng miền đáp ứng cam kết của Việt Nam về quản lý nhà nước dịch vụ viễn thông công ích khi tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới, phù hợp với xu hướng của các nước, vì vậy cần thiết tiếp tục duy trì Quỹ dịch vụ viễn thông công ích. Để đảm bảo tính hiệu quả của Quỹ, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo luật hoá các nội dung đã được quy định tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã triển khai thực hiện trong thời gian qua liên quan đến các nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của Quỹ để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, tăng tính hiệu quả của Quỹ, phân định rõ ràng từng dịch vụ viễn thông công ích, bổ sung quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong việc sử dụng và quản lý Quỹ, phù hợp với quy định của pháp luật; đồng thời xem xét mở rộng phạm vi của Quỹ thay vì sử dụng vì mục tiêu hỗ trợ như hiện nay. Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề nghị rà soát phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Ý kiến đóng góp của các đại biểu có tính xây dựng cao Phát biểu giải trình, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cảm ơn các ý kiến đóng góp sâu sắc, nhiều chiều, có tính xây dựng cao của đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình một số vấn đề đại biểu nêu. Bộ trưởng cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát cân đối giữa quy định cứng nguyên tắc của Luật và sự linh hoạt ở tầm Nghị định đối với những vấn đề mới, công nghệ mới, dịch vụ mới có sự thay đổi nhanh chóng, cân đối giữa quản lý và phát triển, giữa phát triển và bền vững, cũng như hài hòa lợi ích của ba nhà: Nhà dân, nhà cung cấp dịch vụ và nhà nước; quản lý ở mức tối thiểu nhưng thực thi nghiêm minh; vấn đề giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp và chi phí thực thi pháp luật của nhà nước; vấn đề hội tụ của viễn thông, công nghệ thông tin và công nghệ số… Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng giải trình một số nội dung cụ thể đại biểu nêu liên quan đến Quỹ dịch vụ viễn thông công ích. Theo đó, Quỹ này thực chất là quỹ phổ cập, quốc gia nào cũng phải đặt mục tiêu phổ cập viễn thông, phổ cập internet, phủ sóng vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Nếu nhà nước nhận trách nhiệm phổ cập từ ngân sách nhà nước, các nhà mạng có xu thế chỉ đầu tư ở những nơi đông dân và có lãi cao, vì thế nhà nước phải đầu tư rất nhiều nên đa số các quốc gia chọn cách yêu cầu nhà mạng có trách nhiệm. Ở Việt Nam, Quỹ này giao cho chính các nhà mạng thực hiện, phổ cập 2G, 3G, 4G và 5G, góp phần tích cực để Việt Nam có vùng phủ sóng rộng, người dân được sử dụng dịch vụ và có điện thoại vào nhóm đầu trên thế giới. Tuy nhiên, vừa qua vận hành của Quỹ có một số bất cập như giải ngân chậm, tồn quỹ, cần phải điều chỉnh các quy định trong dự thảo Luật theo hướng xác định rõ mục tiêu, cách thức thu để hiệu quả hơn… Bộ trưởng đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục duy trì Quỹ này, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ, xin Quốc hội cho phép đổi tên Quỹ thành Quỹ dịch vụ phổ cập. Luật Đầu tư đã xác định Trung tâm dữ liệu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng vẫn chưa có quy định cụ thể trong luật chuyên ngành. Tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đề xuất Chính phủ chỉnh lý quy định theo hướng quản lý mềm giống như nhiều quốc gia khác để tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ của hạ tầng và dịch vụ này nhưng vẫn đảm bảo an toàn, an ninh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Về quản lý dịch vụ OTT viễn thông, quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông là quản lý không phụ thuộc vào công nghệ. Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội là xác đáng, quản lý cần mềm hơn, nhẹ tay hơn, không phát sinh thêm nhiều chi phí tuân thủ cho nhà cung cấp dịch vụ. Bộ Thông tin và Truyền thông xin báo cáo Chính phủ nghiên cứu tiếp thu theo hướng quản lý ở mức tối thiểu nhưng xử phạt thì nghiêm minh; quản lý dựa trên những gì nhà cung cấp dịch vụ đã có để tránh phát sinh thêm chi phí tuân thủ; quản lý sẽ không phân biệt nhà cung cấp dịch vụ lớn hay nhỏ, thu tiền hay không thu tiền; yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ minh bạch thông tin đối với khách hàng; yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ bảo mật thông tin của khách hàng; cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra khi có yêu cầu. Các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Viễn thông Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận có 21 đại biểu phát biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã giải trình một số nội dung đại biểu quan tâm. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận phiên thảo luận. Qua thảo luận, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Viễn thông để khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật hiện hành, thể chế hóa xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số; bổ sung các chính sách mới, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông và các dịch vụ viễn thông; mở rộng không gian phát triển cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội; đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ số và nền kinh tế số. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến xác đáng vào các điều khoản cụ thể, đề nghị cần nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo Luật: Phạm vi, đối tượng điều chỉnh, đặc biệt là việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các lĩnh vực mới như dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet, OTT, dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, chính sách, điều kiện kinh doanh, quản lý đối với các dịch vụ mới này. Tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan, tính tương thích phù hợp với các điều ước quốc tế. Quyền tham gia hoạt động viễn thông, quyền được đảm bảo an toàn viễn thông cho cả bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ; cạnh tranh bình đẳng trong hoạt động viễn thông… Đại biểu Quốc hội cũng quan tâm đến cơ sở, căn cứ, mục đích thành lập Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, hiệu quả, nguyên tắc hoạt động của Quỹ… Các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo và các cơ quan thẩm tra phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến thảo luận tại Tổ và tại Hội trường tiếp thu hoàn chỉnh dự án Luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6./.