Viễn thông có vai trò rất lớn đối với sứ mệnh phát triển đất nước

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Cục Viễn thông ngày 22/1, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh một số định hướng quan trọng đối với lĩnh vực viễn thông trong năm 2024. Cùng dự Hội nghị có Thứ trưởng Phạm Đức Long và lãnh đạo một số đơn vị của Bộ.

 

PSX-20240122-113925.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Phạm Đức Long chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động Cục Viễn thông

Theo Bộ trưởng, lĩnh vực viễn thông đã bước vào đổi mới lần thứ hai, nghĩa là từ hạ tầng viễn thông chuyển thành hạ tầng số, từ hạ tầng “alô” chuyển thành hạ tầng của nền kinh tế số (KTS).

Bộ trưởng phân tích, doanh thu viễn thông hiện chỉ chiếm 1% GDP toàn cầu nhưng khi trở thành hạ tầng của nền kinh tế thì doanh thu viễn thông sẽ chiếm khoảng 5%, tiến tới 10%, có nghĩa là lĩnh vực viễn thông tăng trưởng ít nhất 5 lần.

Bộ trưởng cho biết, thế giới hiện nay có nhà mạng tăng trưởng âm và loanh quanh chỉ 0%. Việt Nam có nhà mạng tăng trưởng cũng chỉ 1 - 2%. Tăng trưởng như vậy coi như không tăng vì chưa thấy được tầm nhìn đúng của lĩnh vực.

PSX-20240122-130514.jpg

Lĩnh vực viễn thông cần chuyển dịch từ hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số, từ hạ tầng “alô” thành hạ tầng của nền kinh tế số

Theo đó, lĩnh vực viễn thông cần chuyển dịch hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số, từ hạ tầng thông tin liên lạc sang hạ tầng của nền KTS, từ CNTT sang công nghệ số, từ ứng dụng CNTT sang chuyển đổi số, từ tự động hoá sang thông minh hoá, từ xử lý thông tin hữu hạn sang xử lý dữ liệu số vô hạn để sinh ra giá trị mới; từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số; từ gia công, lắp ráp sang làm sản phẩm Việt Nam - Make in VietNam (thiết kế tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam); từ doanh nghiệp dịch vụ sang doanh nghiệp công nghiệp và công nghệ; từ doanh nghiệp khai thác sang doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển (R&D); từ thị trường trong nước là chính sang thị trường quốc tế là chính; công nghệ số trở thành lực lượng sản xuất cơ bản; nhân tài số trở thành nguồn lực cơ bản; đổi mới sáng tạo số trở thành động lực cơ bản của phát triển.

Bộ trưởng nhận định, các nhà mạng chưa bao giờ có chuyển dịch quan trọng như thế. Lĩnh vực viễn thông đổi mới lần hai có nhiều không gian hơn, rộng hơn. Sự chuyển dịch này cũng có sứ mệnh lớn lao hơn đối với sứ mệnh phát triển của đất nước. Cục Viễn thông phải nhận thức rất sâu sắc và nắm chắc như là kim chỉ nam, như là ngôi sao dẫn lối.

Bộ trưởng nhấn mạnh, chuyển đổi luôn là việc đầu tiên và quan trọng nhất của người đứng đầu tổ chức. Chuyển đổi thì thường là việc khó nhất của một lĩnh vực. Lĩnh vực càng lớn thì càng khó. Khó là vì chuyển đổi chưa mang lại giá trị ngay và thậm chí còn chưa biết thành công hay không trong khi cái cũ còn quá lớn. Chưa bao giờ viễn thông, CNTT, công nghệ số có vai trò quyết định lớn như vậy đến sự phát triển của đất nước như hiện nay.

KTS đã phát triển nhanh, đóng góp lớn cho GDP quốc gia. Cục Viễn thông phải nắm chắc nội hàm của hạ tầng số của Việt Nam bao gồm: Hạ tầng viễn thông, hạ tầng IoT, hạ tầng tính toán, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng cung cấp công nghệ số như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng. Hạ tầng số Việt Nam thì phải dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hoá và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển KTS, xã hội số.

Nội hàm trên cũng chính là không gian mới của các nhà mạng và các nhà mạng cần không gian mới để mở rộng không gian viễn thông.

PSX-20240122-115022.jpg

Toàn cảnh Hội nghị

Bộ trưởng lưu ý Cục Viễn thông phải cần xác định nghề chính hiện nay của các nhà mạng là làm hạ tầng. Không ai ngoài các nhà mạng làm hạ tầng cả và sức mạnh, trách nhiệm chính đối với đất nước cũng là hạ tầng. Lợi thế cạnh tranh chính và sứ mệnh chính của nhà mạng là sứ mệnh hạ tầng để những người khác, doanh nghiệp khác đứng trên vai nhà mạng mà kinh doanh. “Các nhà mạng không được xa rời, quên sứ mệnh làm hạ tầng. Nhà mạng làm hạ tầng số là hạ tầng của nền KTS”.

Bộ trưởng yêu cầu các nhà mạng phải dành 5 - 10% doanh thu để phát triển hạ tầng. Đối với việc phát triển mạng 5G phải đầu tư nhiều hơn, phải đến 15 - 20% doanh thu cho mạng lưới. Cục Viễn thông phải giám sát đầu tư bởi đầu tư ít, chất lượng mạng lưới thấp và như thế không thể đi đầu, đi nhanh để phát triển.

Nhà mạng có sứ mệnh mới là CNH-HĐH đất nước thông qua sáng tạo ứng dụng số

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chỉ rõ, nhà mạng hiện nay kinh doanh 2G, 3G, 4G chủ yếu là theo phương thức B2C (Business-to-Customer), tức là cung cấp dịch vụ cho người dân và kinh doanh những dịch vụ mà người dân biết từ trước là thoại, nhắn tin, dữ liệu (data). Mạng 5G thì B2B (Business-to-Business) sẽ là chính và nhà mạng phải sáng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ 5G cho các doanh nghiệp và qua đó để chuyển đổi số các doanh nghiệp, chuyển đổi số các lĩnh vực, các ngành. Do đó, “Cục Viễn thông phải thúc đẩy sáng tạo ứng dụng số để phát triển KTS, đổi mới và tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động”.

Bộ trưởng nhấn mạnh, “Đây cũng chính là quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá (CNH-HĐH) đất nước. Như vậy, nhà mạng từ nay có sứ mệnh mới là CNH-HĐH đất nước thông qua sáng tạo ứng dụng số. Chuyển đổi số, ứng dụng số vào các ngành công nghiệp, vào các doanh nghiệp khác cũng là cách, con đường để chúng ta nâng cao năng suất lao động”.

Ứng dụng AI để nâng cao chất lượng công việc

Định hướng nhiệm vụ trọng tâm của Cục Viễn thông trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu Cục Viễn thông dùng công nghệ số, ứng dụng công nghệ số, nhất là AI để nâng cao chất lượng công việc. Đây phải được xem là công việc quan trọng nhất năm 2024. Bộ trưởng cũng lưu ý đơn vị trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý của lĩnh vực viễn thông thì cần lưu ý cơ sở dữ liệu, tài liệu đi kèm, đóng gói, lưu trữ riêng.

Về phát huy năng lực cán bộ, Bộ TT&TT có nhiều việc mới, mỗi việc mới nên nghiên cứu thành lập tổ nhóm, giao cho cán bộ trẻ có năng lực làm trưởng nhóm và báo cáo trực tiếp với Bộ trưởng. Đây là cách huy động nhân lực rộng bao gồm cả doanh nghiệp, phát huy năng lực cán bộ.

Cục cũng cần công khai cái tốt, chưa tốt của đối tượng quản lý và năm 2024 phải làm tốt việc này. Đối với việc khó thì tìm ra trọng tâm, các vấn đề chính và đặt câu hỏi. Đặt câu hỏi đúng đã được 80% công việc.

Bộ trưởng cũng lưu ý lĩnh vực viễn thông thực hiện các công việc phải triệt để. Các công việc năm 2024 nhanh hơn, hiệu quả hơn và kết thúc được như vấn đề SIM rác, vệ tinh. “Phải nhìn bản chất để làm, không thay đổi góc nhìn thì khó giải quyết. Nhiều khi phải truyền tải vấn đề một cách trực quan để giải quyết. Lĩnh vực viễn thông phải đi trước, cải cách để góp phần phát triển đất nước”.

Bảo đảm mạng 5G Việt Nam thực sự là hạ tầng mới của nền kinh tế

Tiếp thu chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Thành Phúc cam kết, đơn vị sẽ tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Viễn thông sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

PSX-20240122-114230.jpg

Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Thành Phúc cho biết, mục tiêu đến năm 2025 mỗi người dân trưởng thành có một smartphone.

Về phổ cập hạ tầng số, lĩnh vực viễn thông sẽ thúc đẩy thương mại hóa 5G; Phát triển 5G trên phạm vi toàn quốc để tạo ra hạ tầng cho các ứng dụng số công nghiệp; Công bố quy chuẩn chất lượng dịch vụ 5G mới trước khi các doanh nghiệp viễn thông triển khai 5G thương mại để bảo đảm mạng 5G Việt Nam thực sự là hạ tầng mới của nền kinh tế; Đề xuất cơ chế chia sẻ hạ tầng mạng viễn thông di động mặt đất 5G giữa các nhà mạng; Thúc đẩy phổ cập mỗi hộ gia đình có khả năng tiếp cận một đường Internet cáp quang băng rộng; Trung bình mỗi người dân một SIM IoT; Mỗi người dân trưởng thành có một smartphone vào năm 2025. Cùng với đó, thúc đẩy tăng trưởng sức mạnh tính toán hàng năm trung bình trên 30% trong 5 năm tới; Phát triển ứng dụng số; Đấu giá kho số thành công; Tăng tỷ lệ đầu tư của các doanh nghiệp viễn thông trên doanh thu (15 - 20%); Đề xuất ban hành cơ chế thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp viễn thông vào các công ty công nghệ.../.


Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
122 người đang online