23/12/2023 | lượt xem: 9 Xuất bản, In và Phát hành năm 2023: Tích cực chuyển đổi số Chiều ngày 14/12/2023, Cục Xuất bản, In và Phát hành (XBIPH) tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm dự và chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, nhà xuất bản, đơn vị in,… Cục trưởng Cục XBIPH Nguyễn Nguyên cho biết: Năm 2023, toàn ngành Xuất bản doanh thu ước đạt 99.700 tỷ đồng (giảm 02% so với năm 2022), tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước ước đạt 3.378 tỷ đồng (giảm 8% so với năm 2022); Số xuất bản phẩm in là: 33.000 xuất bản phẩm với 450 triệu bản (giảm 11% về xuất bản phẩm và giảm 23% về bản so với cùng kỳ năm 2022). Năm 2023 có những số liệu nổi bật của toàn ngành về chuyển đổi số như: Quy mô doanh thu thị trường sách nói trong năm 2023 đạt 80 tỷ đồng; Số lượt nghe sách nói trong năm 2023 đạt 40 triệu lượt (tăng 25% so với năm 2022); Số tựa sách điện tử xuất bản trong năm đạt 4.600 đầu, tăng 31,4%, đưa tỷ lệ sách điện tử/sách đạt 15,3% trên tổng số xuất bản phẩm (vượt chỉ tiêu năm 12%); Tỷ lệ nhà xuất bản đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử đạt 40,3% (vượt 20% so với kế hoạch). Thực hiện và phối hợp quản lý nhà nước cho 2.400 cơ sở in trên cả nước; thực hiện quản lý cấp phép nhập khẩu cho trên 55.000 thiết bị in, bảo đảm máy móc thiết bị in nhập khẩu đáp ứng quy định pháp luật, bảo vệ môi trường, từng bước hiện đại hóa ngành in; Đẩy mạnh công tác quản lý hoạt động in: đã xây dựng báo cáo trình Chính phủ “Thực trạng và Định hướng phát triển ngành Công nghiệp Việt Nam” kiến nghị với Chính phủ các giải pháp để phát triển ngành in; trình Bộ trưởng ban hành Quyết định ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số ngành In Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cục trưởng Cục XBIPH Nguyễn Nguyên báo cáo tại Hội nghị Ngoài ra, đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch triển khai công tác phòng chống in lậu năm 2023, Cục đã: Phối hợp chặt chẽ với cơ quan an ninh, cảnh sát của Bộ Công an và cơ quan an ninh, cảnh sát của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh phát hiện, xử lý, truy tố một số vụ in lậu với số lượng lớn; triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch; chủ động kết hợp hoạt động của Đoàn liên ngành phòng chống in lậu Trung ương và các đội liên ngành phòng chống in lậu địa phương phát hiện và chuyển xử lý vi phạm; phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam ký hợp tác với nền tảng Tiktok ngăn chặn vi phạm bản quyền trên nền tảng này. Tổ chức 04 hội thảo, hội nghị theo Kế hoạch. Tiếp nhận ý kiến phản ánh của tác giả, độc giả về việc xuất bản, phát hành sách lậu trên fanpages qua số điện thoại đường dây nóng, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xử lý tình trạng ngăn chặn in lậu và phát hành sách lậu. Tổ chức thành công Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 và Hội sách năm 2023 tại Thành phố Huế. Hội sách đã thu hút được sự tham gia của 31 nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách, giới thiệu khoảng 17.000 đầu sách, tổ chức 06 sự kiện tọa đàm, giao lưu tác giả, nhà văn, nhà khoa học. Chỉ đạo tổ chức Hội sách trực tuyến quốc gia năm 2023 trên nền tảng Book365.vn. Hội sách đã thu hút được sự tham gia của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách, giới thiệu khoảng 20.000 đầu sách và tổ chức 05 sự kiện, với tổng số 3.839.060 lượt bạn đọc truy cập, trong đó, 79.83% lượt bạn đọc truy cập ngoài Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Xây dựng hệ thống cơ quan báo đài tăng cường thông tin tuyên truyền về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Đặc biệt, đã có 08 cơ quan báo chí có lượng độc giả lớn, gồm: Báo Thanh niên, Báo Tiền Phong, Báo Lao động, Báo Tuổi trẻ, Báo Vnexpress, Báo Vietnamnet, Báo Dân trí, Tạp chí Tri thức trực tuyến với trên 1000 tin bài giới thiệu về sách, xuất bản, góp phần phát triển thị trường sách và văn hóa đọc, những bài review sách tốt, sách hay, sách có giá trị đến những bài viết truyền cảm hứng khuyến khích và động viên bạn đọc tìm đến sách và đọc sách. Đã đăng tin, giới thiệu 132 cuốn sách trên các tờ báo, 93 cuốn sách trên các chuyên trang về xuất bản. Thực hiện và phối hợp quản lý cho trên 2.500 cơ sở phát hành, 26 đơn vị xuất nhập khẩu sách; cấp giấy phép nhập khẩu kinh doanh cho trên 15.000 xuất bản phẩm; bảo đảm sách nhập khẩu đúng quy định pháp luật, phục vụ nâng cao dân trí, phát triển văn hóa đọc. Về phương hướng nhiệm vụ năm 2024, Cục nghiên cứu các chính sách, cơ chế bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng, nghiên cứu các giải pháp và hình thành phương thức phối hợp xử lý các vụ việc vi phạm bản quyền trên không gian mạng. Triển khai hỗ trợ các đơn vị xuất bản tăng cường truyền thông sách, phát triển thị trường sách và văn hóa đọc. Ngoài ra, thực hiện thí điểm xây dựng hệ sinh thái số trong hoạt động xuất bản và phát hành. Báo cáo về xu hướng booktok và yêu cầu trong quản lý kênh thương mại và phát hành này trong thời gian tới (dự kiến hoàn thành tháng 12/2023). Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội tổ chức Hội sách Hà Nội lần thứ VIII năm 2023. Thực hiện nghiêm quy định của Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với công tác quản lý nhà nước về xuất bản, trong đó có giải quyết thủ tục hành chính, thủ tục hành chính nội bộ trong lĩnh vực xuất bản. Tập trung chuẩn bị Hồ sơ trình sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản. Nghiên cứu, đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các nhà xuất bản trong trường hợp phát sinh những vấn đề mới trong năm 2024 bên cạnh những giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động xuất bản theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển có hiệu quả, đúng tiến độ các nhiệm vụ thường xuyên, nhiệm vụ trọng tâm của lĩnh vực xuất bản theo Kế hoạch năm 2024. Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, phổ biến kiến thức pháp luật trong hoạt động xuất bản bên cạnh việc rà soát, chấn chỉnh quy trình xuất bản của các nhà xuất bản; nâng cao trình độ, thường xuyên cập nhật kiến thức mới cho các biên tập viên. Chủ trì và phối hợp triển khai các giải pháp ngăn chặn vi phạm bản quyền, chống in, phát hành xuất bản phẩm lậu. Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết những khó khăn của nền kinh tế đã ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề và lĩnh vực. Hoạt động XBIPH từ đầu năm đến nay cũng không ngoại lệ khi mức tiêu thụ sách sụt giảm. Các nhà xuất bản, phát hành sách nỗ lực chuyển mình, thích nghi với những yêu cầu mới của thị trường truyền thống và không ngừng thay đổi để đón đầu làn sóng chuyển đổi số phục vụ độc giả. Thứ trưởng đánh giá cao nỗ lực của Cục XBIPH và toàn ngành đã vượt qua những khó khăn thách thức trong năm qua và đạt được nhiều mục tiêu tăng trưởng. Tuy vậy, để hoàn thành nhiệm vụ đề ra năm 2024 và các năm tiếp theo cần có các giải pháp đột phá nhằm thực hiện phát triển lĩnh vực xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại dựa trên công nghệ số; tạo sự đổi mới căn bản hoạt động quản lý và hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà xuất bản, cơ sở in, doanh nghiệp phát hành; từng bước hình thành mô hình, sản phẩm mới đáp ứng những thay đổi về nhu cầu, thói quen tiếp nhận, thụ hưởng thông tin của người dân trên nền tảng số./.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa kiểm tra công tác ứng phó với mưa, lũ tại thành phố Hưng Yên và các huyện: Kim Động, Khoái Châu, Văn Giang
Thường trực Tỉnh ủy họp khẩn về công tác phòng, chống lụt, ngập úng và khắc phục hậu quả của bão số 3
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản kiểm tra công tác ứng phó với mưa, lũ tại một số địa phương
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn kiểm tra tình hình ứng phó với ngập lụt tại thành phố Hưng Yên và các huyện Tiên Lữ, Phù Cừ