Chuyển đổi số góp phần bảo tồn di sản và đưa các giá trị văn hoá của Việt Nam ra thế giới

Sáng ngày 26/10/2022, tại Hà Nội, đã diễn ra “Hội nghị - Hội thảo Chuyển đổi số của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch”. Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao, Du lịch (VHTTDL) kiêm Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ VHTTDL và ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị - Hội thảo.

Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến tại Hà Nội và các điểm cầu trên cả nước với sự tham dự của hơn 120 đại biểu là đại diện các cơ quan thuộc Bộ VHTTDL, Bộ TT&TT, các Bộ, Ban ngành, các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Du lịch thuộc 63 tỉnh, thành trong cả nước. 

Một số thành tích nổi bật về chuyển đổi số của ngành VHTTDL

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VHTTDL đã nêu bật một số kết quả tích cực trong tiến trình chuyển đổi số của ngành VHTTDL. Cụ thể, nhận thức về chuyển đổi số của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm, chỉ đạo đã đáp ứng kịp thời nhu cầu chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số. Hạ tầng số được tăng cường đầu tư, tập trung triển khai nền tảng số dùng chung trong ngành VHTTDL. Dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp được triển khai ngày càng hiệu quả. Công tác đảm bảo an toàn an ninh luôn được chú trọng. Đồng thời, nguồn lực dành cho chuyển đổi số được quan tâm, tăng cường.

 20221026-pg1-bamnut.jpg

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng và các vị đại biểu đã bấm nút khai trương Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ VHTTDL

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương bày tỏ mong muốn, Hội nghị sẽ là diễn đàn để các cơ quan, đơn vị, các Sở VHTT&DL, Sở VHTT trực tiếp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, bài học thực tiễn, cũng như những vướng mắc, khó khăn, từ đó tìm ra các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho ngành VHTTDL trong thời gian tới.

 Chuyển đổi số góp phần bảo tồn di sản và đưa các giá trị văn hoá của Việt Nam ra thế giới

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhận định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia, các chiến lược về chính phủ số, kinh tế số, xã hội số cũng đã được Chính phủ ban hành. Lát cắt quan trọng và nhất quán trong tất cả các chiến lược quốc gia về chuyển đổi số mà Chính phủ đã ban hành đó là: Việt Nam xác định nền tảng số là giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong các ngành, các lĩnh vực.

20221028-ta4.jpg

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương phát biểu khai mạc Hội nghị - Hội thảo

Về phía Bộ TT&TT, Bộ đã ban hành chương trình thúc đẩy và sử dụng các nền tảng số quốc gia. Năm 2022 cũng được xác định là năm đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số bằng các nền tảng số xuất sắc của việt Nam.

Từ góc nhìn của Bộ TT&TT, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhận định, ngành VHTTDL có một lợi thế đặc biệt so với những ngành khác của Việt Nam về quy mô thị trường. Ngành VHTTDL Việt Nam không chỉ phục vụ 100 triệu người dân Việt Nam mà còn có cơ hội phục vụ gần 8 tỷ khách hàng tiềm năng năng trên toàn thế giới. Do đó, chuyển đổi số ngành VHTTDL là rất cần thiết để Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội phát triển này, thông qua chuyển đổi số, công nghệ số để cung cấp những dịch vụ và trải nghiệm văn hoá du lịch tốt hơn và mang tính cá thể hoá cho du khách trong nước cũng như nước ngoài.

Liên quan đến chuyển đối số ngành VHTTDL, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề xuất, cần tập trung ưu tiên triển khai các nền tảng số dùng chung trong phạm vi toàn ngành, toàn quốc, trong đó có 3 nền tảng số quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ giao trong các chương trình, chiến lược quốc gia và trong kế hoạch năm 2022 của Uỷ ban Chuyển đổi số quốc gia gồm: Nền tảng số quản trị và kinh doanh du lịch, Nền tảng dữ liệu số du lịch và Nền tảng mô hình hoá đa chiều phục vụ phát triển bảo tàng số.

 20221028-ta3.jpg

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Hội nghị - Hội thảo

Nền tảng số được cung cấp như là một dịch vụ giống như điện, nước, dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu, tối ưu hoá đầu tư, đặc biệt là đối với các cơ sở lữ hành, cơ sở du lịch nhỏ và vừa trong lĩnh vực này. Với việc sử dụng nền tảng số quản trị và kinh doanh du lịch, các doanh nghiệp có thể tập trung nguồn lực phát triển các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo, thay vì phải dành nguồn lực cho công nghệ.

Nền tảng dữ liệu số cho ngành du lịch sẽ cung cấp những thông tin, tài nguyên du lịch đã được số hoá về các khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch và thị trường du lịch Việt Nam. Cơ quan nhà nước đóng vai trò quan trọng trong xây dựng dữ liệu mở và mở dữ liệu để các doanh nghiệp du lịch có thể tối ưu hoá, cải thiện chất lượng dịch vụ và đưa ra các gói ưu đãi cho khách du lịch. Trong kỷ nguyên số, vai trò của du khách trong việc bổ sung, cập nhật thông tin dữ liệu thông qua việc tương tác một cách tự nhiên với các ứng dụng du lịch số. Việc phát huy sức mạnh cộng đồng đóng vai trò quan trọng. Có như vậy, dữ liệu mới đáp ứng được các tiêu chí về đúng, đủ, sạch, sống, mới có giá trị để phân tích, dự báo và hoạch định chính sách. 

Nền tảng mô hình hoá đa chiều phục vụ phát triển bảo tàng số góp phần thúc đẩy số hoá các di sản văn hoá, hướng tới mục tiêu mỗi di sản của Việt Nam đều có hiện diện số và hình thành bản đồ di sản số. Từ đó, người dân, du khách thuận lợi, truy cập các di sản này trên môi trường số. Công nghệ thực tế ảo cho phép tổ chức tour du lịch trải nghiệm trực tuyến từ xa, người dân trên toàn thế giới chưa có điều kiện đến Việt Nam có thể tiếp cận, trải nghiệm các giá trị văn hoá Việt Nam không khoảng cách, không có giới hạn về mặt ngôn ngữ. Làm được như vậy cũng là thực hiện sứ mệnh bảo tồn di sản và đưa các giá trị văn hoá của Việt Nam ra thế giới, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng khẳng định.

*Tại Hội nghị - Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các tham luận chia thành ba chuyên đề: Số hoá Tài nguyên Văn hoá, Du lịch số và Thể thao số, Chuyển đổi số góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia của các diễn giả đến từ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Sở VHTTDL Thừa Thiên Huế, Cục Di sản Văn hoá, Cục Bản quyền tác giả và các doanh nghiệp công nghệ số lớn của Việt Nam như: Tập đoàn Viettel, VNPT, Mobifone, BKAV…

*Cũng trong khuôn khổ Hội nghị - Hội thảo, Bộ VHTTDL đã khai trương Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ. Đây là hệ thống thông tin thu thập, tổng hợp, phân tích số liệu báo cáo và cung cấp số liệu để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ kết nối tới Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Hệ thống được triển khai theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước về chế độ báo cáo của Bộ VHTTDL một cách thuận tiện, nhanh chóng. Hệ thống được triển khai nhằm hỗ trợ các cơ quan, các đơn vị thuộc Bộ, các Sở VHTTDL 63 tỉnh, thành phố thực hiện cập nhật, tổng hợp số liệu báo cáo thống kê theo các biểu mẫu của đơn vị trực tiếp trên phần mềm.

 

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
33 người đang online